Siết chặt “ma trận” tuyển sinh đại học
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện các trường đại học đã sử dụng hơn 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, phần lớn là các phương thức xét tuyển sớm như học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT, ACT) kết quả thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia, xét tuyển kết hợp, phỏng vấn… Năm 2025, dự báo có trên 10 kỳ thi riêng để phục vụ tuyển sinh đại học.
Việc nở rộ nhiều kỳ thi, cùng với nhiều phương thức tuyển sinh sớm đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, làm sao đảm bảo tính công bằng giữa các phương thức trong tuyển sinh, cũng như tránh trường hợp học sinh sao nhãng việc học ở những thời điểm kết thúc chương trình lớp 12 vì các em đã biết chắc chắn mình đỗ đại học. Trên thực tế đã từng xảy ra chuyện, thủ khoa khối A toàn quốc “trật” đại học ngành mình đăng ký nguyện vọng 1 chỉ vì nhà trường không ưu tiên xét tuyển lấy kết quả thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hay tình trạng điểm đầu vào nhiều ngành cao ngất ngưởng, gần như điểm tuyệt đối đối với việc lấy kết quả thi tốt nghiệp. Lý do cho điểm chuẩn quá cao chính là nhiều trường xem xét tuyển sớm là cách tuyển sinh ưu tiên, còn không ưu tiên tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp.
Bên cạnh tạo ra bất công trong tuyển sinh, việc xét tuyển sớm hiện nay cũng gây khó cho các trường đại học. Thầy Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, cái khó của trường xét tuyển sớm là tỷ lệ ảo lên tới ngưỡng 300%. Khi xét tuyển sớm, dữ liệu khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chưa có nên hậu kiểm phát hiện có nhiều sai sót, thậm chí xảy ra tình trạng đỗ thành trượt. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phân tích, ưu điểm của xét tuyển sớm là giúp người học yên tâm nhưng “nhiều khi dẫn đến yên tâm quá”. Mặt khác, các trường đại học cũng khó khăn trong dự báo tỷ lệ ảo.
Tuyển sinh đại học cần đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
Trước những bất cập nảy sinh do tuyển sinh sớm được áp dụng rộng rãi và bắt đầu gây nên nhiều hệ lụy, mới đây trong Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Nếu những đề xuất trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thông qua, chắc chắn sẽ là “cú đánh” lớn đối với những trường có tỷ lệ tuyển sinh đại học sớm cao. Thậm chí, sau Thông tư này ban hành, tình trạng cuồng các chứng chỉ quốc tế trong tuyển sinh đại học được dự đoán sẽ bớt nóng.
Trước những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh đại học, đặc biệt là siết chặt tuyển sinh sớm, ông Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, việc hạn chế tuyển sinh sớm sẽ mang đến điểm tích cực giúp học sinh không lơ là trong những tháng cuối cấp, đảm bảo chất lượng giáo dục như định hướng của Bộ GD&ĐT.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến của thầy cô cho rằng, khi các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm, nhiều vấn đề lộ ra, những thí sinh không có thời gian, kinh phí thi chứng chỉ quốc tế, chỉ còn cách dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, trong khi chỉ tiêu cho phương thức này ngày càng ít dẫn tới điểm chuẩn bị đẩy lên cao, gây mất công bằng trong tuyển sinh.
Chưa nói đến tình trạng loạn thi cử, mỗi đề thi một kiểu, độ khó khác nhau nên không thể so sánh được người đạt 26 điểm xét bằng học bạ với người đạt 26 điểm thi đánh giá năng lực hoặc thi tốt nghiệp là ai giỏi hơn vì không có chuẩn chung.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn đó nhiều ý kiến cho rằng, việc siết chặt tuyển sinh sớm tác động lớn đến việc chủ động trong tuyển sinh của nhiều nhà trường, học sinh sẽ rất áp lực trong việc thi tốt nghiệp… Cũng liên quan đến việc siết chặt quản lý tuyển sinh đại học sớm, mới đây, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi với báo chí.
Theo bà Thủy, dự thảo thông tư sửa đổi tập trung vào hai điểm quan trọng đã được trao đổi và thống nhất tại hội nghị giáo dục đại học tháng 8/2024. Dự thảo nhằm khắc phục những bất cập khi cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Bộ GD&ĐT yêu cầu điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Với việc các phương thức, tổ hợp đều quy về một thang điểm, theo bà Thủy, tác động lớn nhất của quy định mới này là việc xét tuyển sớm của các trường sẽ tự động bị hạn chế.
“Dự thảo sửa đổi đã hướng dẫn xác định chỉ tiêu xét tuyển sớm phải bảo đảm điểm trúng tuyển (quy đổi tương đương) của các phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Quy định như vậy sẽ giúp tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo” – bà Thủy nhấn mạnh.
Trước lo ngại những thay đổi đột ngột trong quy chế tuyển sinh có thể khiến học sinh và các trường bị động, bà Thủy cho rằng các điểm sửa đổi của quy chế đều nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trước đây, và ngày càng gia tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển. Điều này không ảnh hưởng tới việc học tập của các thí sinh, bởi các em chỉ cần vẫn tiếp tục trau dồi học lực, năng lực cá nhân theo những phương thức mà các em đã và đang chuẩn bị.
Qua trao đổi của các chuyên gia có thể thấy, sự thay đổi trong quy định xét tuyển sớm đại học sẽ tạo ra sân chơi công bằng trong tuyển sinh, điều này tránh được tình trạng các trường cố tình tuyển sinh sớm, ưu tiên các phương thức dành cho thí sinh có điều kiện kinh tế, thí sinh con nhà giàu mà bỏ quên vấn đề chất lượng trong tuyển sinh.
Trinh Phúc