Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 16 luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 16 luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
11 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh An Giang.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Quốc hội cho phép Chính phủ được ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, việc cho phép áp dụng quy định tạm thời chỉ được thực hiện trong một thời gian nhất định khoảng 2 năm. Trong 2 năm, với số lượng văn bản cần phải ban hành đúng thẩm quyền để xử lý các vấn đề tạm thời khi thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy là rất lớn; đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường hiện có 17 luật cần điều chỉnh.
Do đó, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường là cần thiết, cấp bách, nhằm đảm bảo hoàn thiện, ổn định hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, hợp Hiến, hợp pháp, hoàn thành đúng thời hạn 2 năm theo chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời nhằm tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo sửa đổi, bổ sung các quy định về đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh vừa đảm bảo sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 16 luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, gồm: Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Lĩnh vực đất đai sẽ xây dựng dự án luật riêng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh:baochinhphu.vn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ với thực tiễn. Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy định phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, tránh tình trạng tháo cái này lại vướng cái kia.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường giới hạn phạm vi sửa đổi, bổ sung, trong đó ưu tiên các điểm nghẽn là những chính sách không phù hợp, chưa sát với thực tế, chưa có tính khả thi khi triển khai.
Các nội dung đưa vào dự án luật phải dựa trên 3 cơ sở: Vướng mắc có tính hệ thống, có ở 34 tỉnh, thành phố; các điểm nghẽn đã được xác định, nêu nhiều lần và có chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; các chính sách đã được thí điểm, thực tế chứng minh là đúng, hiệu quả, tích cực. Những nội dung này cần được phân nhóm theo từng luật cụ thể để tiện tra cứu.
Bên cạnh nhóm nội dung đưa vào dự án luật, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cấp bách về thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các bộ, ngành thực hiện rà soát, đánh giá lại dự án luật, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề xuất chính sách đảm đồng bộ, nhất quán, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/de-xuat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-16-luat-trong-linh-vuc-nong-nghiep-va-moi-truong-a424440.html