Cân nhắc ngưỡng doanh thu chịu thuế thỏa đáng cho hộ kinh doanh

Cân nhắc ngưỡng doanh thu chịu thuế thỏa đáng cho hộ kinh doanh
23 phút trướcBài gốc
Nâng lên 200 triệu đồng/tháng: vẫn quá thấp!
Ông Nguyễn Văn Phú, kinh doanh mặt hàng ăn uống ở TPHCM tính toán, với quy định hiện tại của ngành thuế, mức giá bán khoảng 50.000 đồng/tô bún, chỉ cần mỗi ngày bán 6 tô là doanh thu trung bình một năm đã đạt 100 triệu đồng. Nghĩa là hộ nào mở bán, cứ bán 6 tô/ngày trở lên sẽ phải đóng thuế.
Cán bộ thuế TPHCM hướng dẫn người nộp thuế thực hiện thủ tục. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mức này theo ông là quá thấp, không tạo điều kiện cho người dân làm ăn buôn bán nhỏ. Bởi 6 tô/ngày, trừ đi các loại chi phí, lời lãi chẳng còn bao nhiêu. Kể cả khi mức doanh thu chịu thuế tăng lên 200 triệu đồng/năm, ông Phú vẫn cho là quá thấp, khi cứ bán được 12 tô bún một ngày thì phải đóng thuế. Mức thuế hiện ông đang phải đóng là 4,5% doanh thu, gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra còn lệ phí môn bài 500.000 đồng/năm.
Đáng mừng, sắp tới, những điều bất cập của ông Phú và hàng triệu hộ kinh doanh sẽ thay đổi căn bản. Từ 1-1-2026, mức doanh thu chịu thuế này được nâng lên 200 triệu đồng/năm. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức nâng lên này vẫn quá thấp, chưa áp dụng đã lạc hậu. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhận định, nếu mức 200 triệu đồng/năm doanh thu, với tỷ suất lợi nhuận bán hàng chừng 6%, thực tế thu nhập hộ, cá nhân kinh doanh chỉ đạt khoảng 1 triệu đồng/tháng. Vì vậy ông đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế lên 360 triệu đồng/năm, tức khoảng 30 triệu đồng/tháng, 1 triệu đồng/ngày - mức này vừa giảm chi phí quản lý thuế, chi phí xã hội và hỗ trợ các hộ kinh doanh.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến cũng đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh để giảm áp lực thuế, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Điều này cũng xuất phát từ thực tế mức sống của người dân hiện nay. Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi mức giảm trừ này được phản ánh rất nhiều và chính Bộ Tài chính cũng phải nhìn nhận đã lạc hậu, không theo kịp thực tiễn, đang chuẩn bị sửa đổi, thì việc quy định mức 100 hay 200 triệu đồng/năm doanh thu phải nộp thuế là hết sức lạc hậu. Bởi mức này là doanh thu, không phải là lợi nhuận, nghĩa là kể cả kinh doanh không có lời nhưng doanh thu vượt mốc trên vẫn phải đóng thuế. Đó thực sự là gánh nặng đối với người nộp thuế.
Tìm mức tăng phù hợp
Ngưỡng doanh thu chịu thuế là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý thuế. Ngưỡng này sẽ quyết định hình thức quản lý thuế phù hợp. Tại hồ sơ lấy ý kiến Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính dự kiến phân hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm để quản lý. Trong đó, nhóm 1 dự kiến gồm các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế (tức dưới 200 triệu đồng/năm - theo Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực từ 1-1-2026). Nhóm 2 là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Theo đó, nhóm 1 và nhóm 2 được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán.
Thanh toán bằng mã QR tại siêu thị AEON phường Chánh Hưng, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhóm 3 là các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1-3 tỷ đồng/năm và lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu 1-10 tỷ đồng/năm. Còn lại là nhóm 4, có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Hai nhóm này thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản, trong khi nhóm 4 dự kiến sẽ thực hiện các chế độ kế toán như các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định.
Luật này dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 năm nay. Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính, cơ quan thuế dự kiến đề xuất tăng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm. Đồng thời sửa đổi tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu; kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh phát triển. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngưỡng doanh thu không chịu thuế dưới 400 triệu đồng/năm có thể coi là một bước tiến nếu so với quy định hiện nay.
Tuy vậy, lãnh đạo Cục Thuế cho biết những nội dung này mới chỉ là dự kiến. Từ nay đến năm 2026, trên cơ sở ý kiến đóng góp của người nộp thuế, các hiệp hội tư vấn thuế, ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị báo cáo về tỷ lệ, thuế suất cũng như phương pháp khai thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh.
Nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị, Bộ Tài chính cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để có ngưỡng doanh thu chịu thuế thỏa đáng, với cơ chế điều chỉnh hợp lý để tránh việc quy định đưa ra áp dụng chưa lâu đã lạc hậu. Ngưỡng doanh thu này còn phải thống nhất, phù hợp với các luật thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân… Trong đó, Luật Thuế Giá trị gia tăng mới vừa có hiệu lực, còn Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi tới đây.
MAI HOA
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/can-nhac-nguong-doanh-thu-chiu-thue-thoa-dang-cho-ho-kinh-doanh-post804243.html