Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền với một số vi phạm về an toàn thực phẩm

Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền với một số vi phạm về an toàn thực phẩm
8 giờ trướcBài gốc
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về đánh giá thực trạng quy định hiện hành về chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, tổng kết thực tiễn về tình hình và kết quả tổ chức thực hiện xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với nhóm ngành hàng mà Bộ quản lý.
Để hoàn thiện pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ này đề xuất bổ sung một số quy định và tăng mức chế tài xử phạt đối với một số vi phạm đang có mức chế tài xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe tại Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Đề xuất phạt 2-3 triệu nếu kinh doanh thực phẩm hỏng, mốc
Cụ thể, với cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác đang có mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất tăng lên mức 2-3 triệu đồng.
Hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn đang có mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất tăng lên mức 2-3 triệu đồng. Ảnh minh họa: XUÂN HOÁT
Trong kinh doanh thức ăn đường phố, các hành vi không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay đang có mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng mức chế tài xử phạt này còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Do vậy Bộ đề xuất tăng phạt tiền lên mức 2-3 triệu đồng.
Đối với hành vi sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống đang có mức phạt từ 1-3 triệu đồng, Bộ này đề xuất nâng mức phạt tiền lên 3-5 triệu đồng.
Đối với hành vi sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật đang có mức phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm, Bộ đề xuất tăng mức phạt tiền từ 2-3 lần giá trị sản phẩm vi phạm.
Hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đang có mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng, Bộ này đề xuất tăng mức phạt tiền lên 5-7 triệu đồng.
Tăng tiền phạt với vi phạm về truy xuất nguồn gốc, thu hồi thực phẩm
Tại Điều 26 của Nghị định 115/2018, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề xuất tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Cụ thể, hiện nay hành vi không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm bị phạt tiền từ 5 triệu - 7 triệu đồng, nhưng Bộ đề xuất tăng mức phạt tiền lên 7 triệu - 10 triệu đồng.
Hành vi không thông báo lô sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định đang có mức phạt từ 7 triệu - 10 triệu đồng, Bộ đề xuất tăng mức phạt lên 10-15 triệu đồng.
Hành vi thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn không phù hợp quy định của pháp luật hoặc không đúng nội dung yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang có mức phạt từ 10-15 triệu đồng, Bộ này đề xuất tăng mức phạt lên 15-20 triệu đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 năm, từ năm 2019-2024, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã thanh, kiểm tra gần 230.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Trong số đó, đã có hơn 18.000 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 160 tỉ đồng.
Cụ thể, năm 2019, ngành Nông nghiệp và Môi trường thanh, kiểm tra 67.080 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 4.701 cơ sở (chiếm 7%), tổng số tiền phạt 33 tỉ đồng.
Đến năm 2023, khi thanh, kiểm tra 25.861 cơ sở thì phát hiện 2.443 cơ sở (chiếm 9,45%) vi phạm, tổng xử phạt số tiền phạt 24,2 tỉ đồng. Đến năm 2024, số cơ sở vi phạm bị phát hiện giảm xuống còn 1.705 cơ sở trong tổng số hơn 26.000 cơ sở được thanh, kiểm tra. Số tiền xử phạt là 15,8 tỉ đồng.
Bộ này cho biết các vi phạm được phát hiện chủ yếu là vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm; vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm.
Ngoài ra, còn có vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm…
An Hiền
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-tang-gap-doi-muc-phat-tien-voi-mot-so-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-post850876.html