Đề xuất tăng lương tối thiểu 7% từ 1/1/2026

Đề xuất tăng lương tối thiểu 7% từ 1/1/2026
11 giờ trướcBài gốc
Lương không đủ sống, trên 42% người lao động phải vay mượn tiền
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức sống tối thiểu của người lao động hiện nay rất thấp so với nhu cầu thực tế do ảnh hưởng của lạm phát, biến động giá cả và những yếu tố bất định của thị trường. Kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 – 4 năm 2025 với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, TP cho thấy: Có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng là 9,2% và 8,3%, thực hiện từ 1/1/2026. Ảnh minh họa: Phạm Hùng.
Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình dẫn đến tình trạng người lao động phải “thắt lưng, buộc bụng”, tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống. Nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất, cụ thể, theo kết quả khảo sát có đến 12,5% người lao động thường xuyên (hàng tháng) phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải vay mượn tiền.
Về dinh dưỡng, chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính. Như vậy, còn một bộ phận không nhỏ chưa có mức dinh dưỡng ổn định và đầy đủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu quả và năng suất lao động; đồng thời cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.
Bên cạnh đó, có 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Hơn 53,5% người lao động cho biết tiền lương chỉ đáp ứng một phần (trên 50%) nhu cầu chi cho giáo dục con cái. Đặc biệt, có 6,9% người lao động cho biết tiền lương của họ không đáp ứng được nhu cầu chi cho giáo dục con cái. Đây là con số đáng lo ngại, có thể dẫn đến việc con của họ không được tiếp cận với giáo dục chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng phái triển và cơ hội nghề nghiệp của thế hệ tương lai.
Do đó, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc điều chỉnh lương tối thiểu là yêu cầu cấp bách đối với người lao động và gia đình họ, để cải thiện đời sống trong bối cảnh lạm phát và biến động giá cả. Tại phiên họp thứ nhất năm 2025 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2026. Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 320.000 – 450.000 đồng, bình quân tăng 9,2% so với năm 2024 – 2025. Phương án 2, điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 290.000 – 410.000 đồng, bình quân tăng 8,3% so với năm 2024 – 2025.
Thương lượng tìm phương án tăng lương tối thiểu hợp lý
Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2026 là 9,2% và 8,3% thì Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5%; bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu từ 6,5% đến 7%. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: chúng tôi nghĩ rằng các bên sẽ lựa chọn một mức đảm bảo quyền lợi của người lao động trong bối cảnh biến động về giá cả trên thị trường cũng như để cho các DN tiếp tục phát triển.
Nhiều chuyên gia, người lao động đề xuất mức tăng lương tối thiểu từ 1/1/2026 mức 6,5 – 7% là phù hợp và khả thi. Ảnh minh họa: Phạm Hùng.
Với 3 đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu năm 2026 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra, ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH (nay là Bộ Nội vụ) cho rằng: Chúng ta sẽ phải thương lượng để tìm ra một phương án hợp lý mà hai bên là người lao động và DN cảm thấy hài hòa. Nhưng mà quan trọng nhất là sau đó người lao động cũng sẽ cảm thấy việc tăng lương thỏa đáng và cuộc sống được cải thiện một chút; và DN nếu tăng chi phí thì vẫn chịu được mà vẫn đảm bảo tiếp tục sản xuất kinh doanh một cách bình thường.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTB&XH (nay là Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động – Bộ Nội vụ) nhận thấy: Mức đề xuất 6,5 – 7% của bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia là hợp lý, cân bằng giữa đề xuất của các bên. “Việc tăng lương phải dựa trên tăng trưởng kinh tế, mức sống tối thiểu của Tổng cục Thống kê công bố. Bởi vì, sàn mức sống tối thiểu được quy định trên rổ hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng. Tiền lương tối thiểu bao giờ cũng phải cao hơn mức sống tối thiểu. Theo tôi đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/1/2026 mức 6 – 7% là hợp lý, khả thi, DN chấp nhận được và cũng cải thiện đời sống cho người lao động”.
Nhiều người lao động rất mong muốn được tăng lương tối thiểu càng sớm càng tốt để cải thiện cuộc sống vì hiện nay đời sống của họ rất khó khăn do giá cả tăng cao. Chị Hà Thị Phương Anh là công nhân công ty may tại xã Phú Cát, TP Hà Nội, bộc bạch: “Gia đình tôi có 4 người, hai vợ chồng tôi đi làm có tổng thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng phải rất tiết kiệm trong ăn uống, sinh hoạt; không có tiền tiết kiệm để phòng khi ốm đau, có việc đột xuất. Chúng tôi mong muốn lương tối thiểu tăng 6 – 7%, như thế tốt cho người lao động và DN ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra việc làm cho công nhân lao động”.
Mức lương tối thiểu đang rất thấp so với nhu cầu về đời sống, sự thay đổi về giá cả, lạm phát, các yếu tố thị trường bất định. Vì thế, chuyên gia kinh tế và an sinh xã hội cho rằng, việc tiếp tục điều chỉnh sớm tiền lương tối thiểu vùng năm 2026 là quan trọng, cấp bách và hết sức cần thiết đối với người lao động và gia đình họ.
Thủy Trúc
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/de-xuat-tang-luong-toi-thieu-7p-tu-1-1-2026.760410.html