Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 2026, con số cụ thể khiến nhiều người bất ngờ

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 2026, con số cụ thể khiến nhiều người bất ngờ
8 giờ trướcBài gốc
Mức tăng phù hợp với khả năng doanh nghiệp và nhu cầu người lao động
Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng theo bốn vùng được đề xuất như sau:
Vùng I: 5.310.000 đồng/tháng
Vùng II: 4.730.000 đồng/tháng
Vùng III: 4.140.000 đồng/tháng
Vùng IV: 3.700.000 đồng/tháng
Mức điều chỉnh này tương ứng tăng từ 250.000 đến 350.000 đồng mỗi tháng so với mức hiện hành, với tỷ lệ bình quân là 7,2%. Mức tăng này đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất đề xuất tại phiên họp thứ hai với 13/16 thành viên tán thành (3 thành viên bỏ phiếu trắng).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết việc tăng lương tối thiểu vùng là kết quả của quá trình thảo luận kỹ lưỡng, dựa trên các yếu tố kinh tế, xã hội và mục tiêu phát triển của đất nước. “Thành viên hội đồng đã thống nhất rất cao với phương án tăng 7,2%, áp dụng từ 1/1/2026. Đây là tỷ lệ tốt, phù hợp với giai đoạn hiện nay và hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam,” ông Khương khẳng định.
Ảnh minh họa
Điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ, tiếp tục theo khuyến nghị của ILO
Dự thảo cũng đề xuất mức lương tối thiểu giờ theo bốn vùng:
Vùng I: 25.500 đồng/giờ
Vùng II: 22.700 đồng/giờ
Vùng III: 20.000 đồng/giờ
Vùng IV: 17.800 đồng/giờ
Phương pháp tính mức lương tối thiểu giờ được duy trì theo hướng quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn, đúng theo khuyến nghị từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Phương pháp này đã được Việt Nam áp dụng từ năm 2022 đến nay.
Theo Bộ Nội vụ, mức điều chỉnh lương tối thiểu lần này cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu dự kiến đến hết năm 2026. Điều này giúp cải thiện đời sống người lao động nhưng vẫn đảm bảo sự chia sẻ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, tránh tạo gánh nặng đột ngột cho doanh nghiệp.
Phạm vi áp dụng và nguyên tắc xác định vùng
Dự thảo nghị định quy định nguyên tắc xác định địa bàn vùng dựa trên nơi hoạt động của người sử dụng lao động. Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh hoạt động tại các vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu tương ứng với từng địa bàn.
Đặc biệt, với các khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên địa bàn có nhiều mức lương tối thiểu khác nhau, sẽ áp dụng theo mức cao nhất. Với các địa phương mới thành lập hoặc có thay đổi địa giới hành chính, sẽ tạm thời áp dụng theo mức cũ cho đến khi có quy định mới từ Chính phủ.
Thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu được đề xuất là ngày 1/1/2026. Bộ Nội vụ cho biết, lựa chọn mốc thời gian này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch tài chính, nhân sự, đồng thời phù hợp với thông lệ điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm tài chính của hầu hết các quốc gia.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã có 20 lần điều chỉnh lương tối thiểu, trong đó 15 lần thực hiện vào ngày 1/1. Các lần điều chỉnh vào thời điểm khác đều gắn với các hoàn cảnh đặc biệt, như giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
NB (T/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-tu-2026-con-so-cu-the-khien-nhieu-nguoi-bat-ngo-20141.html