Đề xuất tăng mạnh mức phạt tội phạm về an toàn thực phẩm

Đề xuất tăng mạnh mức phạt tội phạm về an toàn thực phẩm
13 giờ trướcBài gốc
Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Công an huyện Mê Linh kiểm tra, phát hiện 7000 kg lòng lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào ngày 20/1/2025. Ảnh: Chi cục QLTT Hà Nội
Cụ thể, tại Điều 317 của dự thảo, các hành vi dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được dùng trong thực phẩm, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hành vi sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chất phụ gia, chất cấm... có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Hai tội nằm trong nhóm bị nâng mức phạt cao nhất là tội phạm môi trường, “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” (Điều 236) và “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317), đều được đề xuất tăng tiền phạt gấp 6 lần.
Mức tiền phạt này tùy theo số tiền thu lợi và tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng tới bao nhiêu người. Hiện, mức tiền phạt tối đa đang áp dụng với hành vi vi phạm này ở mức 500 triệu đồng.
Đối với mức phạt tù, dự thảo cũng đề xuất nâng mức án tù tối thiểu với người phạm tội này từ 1 năm lên thành 3 năm. Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất, do đó chuyển từ 1 - 5 năm lên tới 3 - 7 năm. Trong khi đó, với khung hình phạt cao nhất cũng được đề xuất từ 12 - 20 năm từ thành 15 - 20 năm tù.
Ngoài ra, một thay đổi đáng chú ý với nhóm hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm là việc người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm dù có biết hay không thì đều chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người thực hiện hành vi này chỉ bị quy trách nhiệm hình sự nều biết chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Tương tự, người phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193) bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20 - 100 triệu lên 40 - 100 triệu đồng.
Cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1 - 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng (mức hiện tại là 18 tỷ đồng).
Pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại cũng bị đình chỉ vĩnh viễn nếu được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.
Dự thảo cũng bổ sung nội dung mới: mức phạt tù 5 - 10 năm sẽ được áp dụng với người người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm “hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên”.
Dự kiến, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).
Mây Hạ
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-xuat-tang-manh-muc-phat-toi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-414929.html