Đề xuất tăng mức hình phạt tiền gấp đôi với tội phạm tham nhũng

Đề xuất tăng mức hình phạt tiền gấp đôi với tội phạm tham nhũng
10 giờ trướcBài gốc
Sáng 20-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 52 điều của BLHS, trong số này có 18 điều luật liên quan đến việc thu hẹp hình phạt tử hình; hai điều luật sửa đổi để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập.
Một số điều luật khác sửa đổi, điều chỉnh mức hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội), một số tội danh về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy nâng mức hình phạt tù để bảo đảm tính răn đe...
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Ảnh: QH
Nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh
“Nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma túy” - Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, nói trước Quốc hội.
Đáng chú ý, về tội phạm môi trường, dự thảo đề xuất tăng mức hình phạt tù đối với một số tội. Chẳng hạn, tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235) được đề xuất tăng mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm thành từ 2 năm đến 3 năm tại khoản 1; tăng mức hình phạt khởi điểm từ 1 năm thành 3 năm tại khoản 2 và tăng mức hình phạt khởi điểm từ 3 năm thành 5 năm tại khoản 3…
Ngoài ra, dự thảo quy định tăng mức hình phạt tiền gấp 2 lần so với quy định hiện hành với các tội thuộc Chương các tội phạm về môi trường.
Đồng thời, nâng mức phạt tiền lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195), tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).
Riêng tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317), mức khởi điểm hình phạt tù tại khoản 1 tăng từ 1 năm thành 2 năm…
Về tội phạm tham nhũng, dự thảo cũng đề xuất tăng mức hình phạt tiền gấp 2 so với quy định hiện hành đối với các tội danh thuộc Mục 1 (các tội phạm về tham nhũng) của Chương XXIII (các tội phạm về chức vụ).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với dự thảo Luật về nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung lên gấp 2 lần đối với một số tội danh cụ thể của Chương các tội phạm về môi trường, Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành BLHS.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đối với các tội danh về kinh tế, môi trường khi áp dụng hình phạt thì cần tuân thủ nguyên tắc trong cùng một khung hình phạt mà hình phạt chính có cả hình phạt tù và hình phạt tiền thì ưu tiên áp dụng hình phạt tiền.
Đồng thời, đề nghị nâng mức phạt tiền là hình phạt chính lên mức phù hợp và người phạm tội phải khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Các đại biểu tham dự một phiên của Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy
Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo đề xuất bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy nhằm xử lý nghiêm đối với người đang trong quá trình cai nghiện hoặc ngay sau khi kết thúc quá trình cai nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất trên của Chính phủ.
Tuy nhiên, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra không tán thành với đề xuất trên. Lý do bởi từ năm 2010 đến nay, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy đã thay đổi căn bản, theo đó, người sử dụng chất ma túy được pháp luật coi là người bệnh. Quá trình sửa đổi BLHS năm 1999, tội sử dụng trái phép chất ma túy đã được Quốc hội bãi bỏ.
Ý kiến này cũng cho rằng việc không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp với chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời không mâu thuẫn với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mặt khác, qua đối chiếu dự thảo Luật cho thấy trong khi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (tăng nặng xử lý người sử dụng), đối với tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), lại được sửa đổi theo hướng nâng mức định lượng ma túy tại các khung tăng nặng (tức là giảm nhẹ xử lý người phạm các tội liên quan đến nguồn cung ma túy).
Từ đó, ý kiến này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể các nội dung sửa đổi liên quan đến các tội về ma túy để có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/de-xuat-tang-muc-hinh-phat-tien-gap-doi-voi-toi-pham-tham-nhung-post850624.html