Đề xuất tăng mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm
7 giờ trướcBài gốc
Số thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện, thu giữ tại Ninh Bình. Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN
Sau 7 năm thực hiện Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, các đơn vị đã tập trung tiến hành thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm góp phần ngăn ngừa, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).
Góp ý với Bộ Y tế về tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất bổ sung một số quy định và tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm về ATTP.
Cụ thể, với Điều 9, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, đối với cơ sở có Giấy chứng nhận quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng nhưng không áp dụng đầy đủ trong thực tế hoặc không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nhưng hồ sơ hệ thống quản lý không đủ độ tin cậy hoặc không thực hiện hành động sửa chữa, khắc phục khi thông số giám sát tại điểm kiểm soát tới hạn bị vi phạm.
Tăng 2 lần mức xử phạt chính (bằng tiền) đối với các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP để đảm bảo xử lý nghiêm hành vi vi phạm về hệ thống quản lý ATTP có khả năng dẫn đến mất kiểm soát các nguy cơ gây mất an toàn đối với thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị bổ sung hình thức phạt vào khoản 8 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP là: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 -3 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 - 3 tháng đối với vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 6, điểm b khoản 6a và khoản 7 Điều này.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tăng mức xử phạt chính khi: vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc, nhằm đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Hay những vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố; vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật…
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngoài việc triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm theo kế hoạch năm, trong các đợt cao điểm triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các ngày lễ, Tết, các đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ các cuộc kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm về ATTP.
Việc xử lý các vi phạm hành chính được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian và thời hiệu xử lý vi phạm phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành... qua đó đã góp phần hạn chế các vi phạm và có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, năm 2024, ngành đã thanh, kiểm tra 26.072 cơ sở, xử phạt 1.705 cơ sở (chiếm 6,5%), số tiền phạt 15,8 tỷ đồng.
Các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nhóm hành vi: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; điều kiện chung bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm; sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm; thiết lập và áp dụng hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc các hệ thống quản lý ATTP tiên tiến khác.
Bích Hồng (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/de-xuat-tang-muc-phat-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-20250520171232847.htm