Thời gian qua, tình trạng người nổi tiếng như nghệ sĩ, diễn viên, KOLs (viết tắt của Key Opinions Leaders, những người có sự ảnh hưởng đến mọi người trên các nền tảng mạng xã hội) quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm đã gây bức xúc trong dư luận.
Trước bối cảnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề xuất tăng cường các hình thức xử lý và chế tài nghiêm khắc hơn, như buộc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cấm sóng, gỡ tài khoản mạng xã hội, và thậm chí là xử lý hình sự.
Để làm rõ hơn vấn đề này, PLO đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Đan Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ KOLs-KOCs Việt Nam thuộc Liên Chi hội Quảng cáo và Nội dung số Việt Nam.
Bà Trần Thị Đan Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ KOLs-KOCs Việt Nam
Đã đến lúc phải nhìn nhận lại cách thức vận hành ngành quảng cáo
Phóng viên: Thưa bà, dư luận bức xúc trước tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, nhất là đối với những sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Với vai trò là người trong cuộc, bà có thể chia sẻ suy nghĩ gì về vấn đề này?
+ Bà Trần Thị Đan Thanh: Tôi hiểu và đồng cảm với sự bức xúc của công chúng trước những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. Khi một nghệ sĩ, KOLs hay người có tầm ảnh hưởng xuất hiện trên truyền thông, họ đại diện cho sự tin tưởng của khán giả.
Các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, việc quảng cáo những sản phẩm này nếu không dựa trên trải nghiệm thực tế hoặc bằng chứng xác thực sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí không thể khắc phục.
Với tư cách là Chủ tịch Câu lạc bộ KOLs-KOCs Việt Nam, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại toàn bộ cách thức vận hành ngành quảng cáo hiện nay, đặc biệt là trong môi trường số.
Một bộ phận không nhỏ các bạn KOLs, KOCs trẻ đang bước vào ngành nghề này với mục tiêu tài chính là chính, trong khi thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết về pháp luật và chưa thực sự nhận thức rõ về tầm ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng.
Câu lạc bộ đã nhiều lần tổ chức tọa đàm, hội thảo với mục tiêu nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của người làm nghề quảng cáo, đặc biệt là những bạn trẻ mới bắt đầu.
Tuy nhiên, để thay đổi diện mạo toàn ngành thì cần thêm vai trò điều tiết của nhà nước, doanh nghiệp và các nền tảng số. Đây là trách nhiệm chung, không chỉ của riêng người nổi tiếng.
-Thưa bà, dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, trong đó có quy định yêu cầu người có ảnh hưởng phải kiểm tra tài liệu liên quan và chỉ được quảng cáo khi đã sử dụng hoặc hiểu rõ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Theo bà, quy định này có đủ sức ngăn ngừa tình trạng quảng cáo sai sự thật?
+ Trên thực tế, không ít KOLs tham gia quảng cáo sản phẩm mà chưa từng sử dụng hoặc chưa hiểu rõ tính chất, thành phần, công dụng của sản phẩm đó.
Đặc biệt với các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay thiết bị chăm sóc sức khỏe, việc chỉ nhận nội dung từ nhãn hàng rồi quay video hoặc đăng bài theo kịch bản là khá phổ biến. Điều này dẫn đến nhiều quảng cáo thiếu trung thực, thậm chí gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Việc dự thảo Luật yêu cầu người có ảnh hưởng phải kiểm tra tài liệu, chỉ được quảng cáo khi đã sử dụng hoặc hiểu rõ sản phẩm là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.
Quy định này không chỉ giúp hạn chế các nội dung quảng cáo sai sự thật mà còn thúc đẩy người làm nghề hành xử chuyên nghiệp, có trách nhiệm hơn. Đồng thời, nó cũng buộc các nhãn hàng phải minh bạch, cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý và thông tin sản phẩm trước khi hợp tác với KOLs.
Tôi tin rằng nếu được áp dụng nghiêm túc, quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nội dung quảng cáo, xây dựng lại niềm tin của công chúng, đồng thời tạo môi trường phát triển bền vững cho nghề KOLs, KOCs tại Việt Nam.
Thưa bà, quảng cáo thông qua KOLs đã trở thành xu hướng phổ biến được nhiều nhãn hàng ưa chuộng. Bên cạnh trách nhiệm kiểm tra thông tin của KOLs, theo bà, nhà sản xuất cần có trách nhiệm như thế nào trong vấn đề này?
+ Quảng cáo thông qua KOLs đã trở thành xu hướng chính trong truyền thông tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng số.
Tuy nhiên, để nội dung quảng cáo đạt được sự tin cậy và hiệu quả thì trách nhiệm không thể chỉ đặt lên vai KOLs mà còn cần được chia sẻ một cách rõ ràng từ phía nhà sản xuất và nhãn hàng.
Trước hết, nhà sản xuất là đơn vị hiểu rõ nhất về sản phẩm, họ cần có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và minh bạch các tài liệu liên quan như thành phần, công dụng, giấy phép lưu hành, chứng nhận an toàn, kiểm nghiệm chất lượng…
Nếu nhà sản xuất cố tình cung cấp thông tin sai lệch hoặc “nói quá” về sản phẩm thì dù KOLs có thiện chí cũng khó tránh khỏi việc vô tình tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động hỗ trợ KOLs hiểu rõ về sản phẩm trước khi quảng bá thay vì chỉ gửi kịch bản sẵn.
Việc này không chỉ giúp nội dung truyền thông trung thực, hiệu quả hơn, mà còn bảo vệ cả thương hiệu và người tiêu dùng khỏi những khủng hoảng không đáng có.
Quảng cáo qua KOLs là một chuỗi trách nhiệm liên kết chặt chẽ. Để hệ sinh thái này hoạt động minh bạch và bền vững, nhà sản xuất cần giữ vai trò trung tâm trong việc đảm bảo tính xác thực của thông tin, từ đó giúp KOLs thực hiện vai trò truyền tải một cách có trách nhiệm và đạo đức.
Bà Trần Thị Đan Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ KOLs, KOCs Việt Nam
Các KOLs đồng hành cùng Sở Công thương TP.HCM quảng bá hàng Việt trong chương trình Kết nối cung cầu năm 2024. Ảnh: TÚ UYÊN
Vì sao một số KOLs quảng cáo phóng đại?
- Có ý kiến cho rằng mức hoa hồng cao, có thể lên tới 60% dành cho KOLs từ phía nhãn hàng là động lực khiến một số người bất chấp quảng cáo sai sự thật. Bà bình luận gì về ý kiến này?
+ Thực tế hiện nay có những chiến dịch quảng cáo mà mức hoa hồng dành cho KOLs lên tới 50%- 60%, thậm chí cao hơn. Điều này khiến một bộ phận KOLs vì lợi ích tài chính mà dễ dàng đồng ý quảng bá sản phẩm không kiểm chứng kỹ càng. Đó là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp quảng cáo thiếu trung thực, phóng đại công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên đánh đồng tất cả KOLs. Có rất nhiều bạn trẻ đang làm nghề nghiêm túc, từ chối các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ nhận quảng bá khi đã hiểu rõ về sản phẩm.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa có một hệ thống quản lý, đánh giá độ uy tín và chuyên nghiệp của KOLs một cách minh bạch.
Theo tôi, để giải quyết triệt để, bên cạnh quy định pháp lý, cần có một hệ sinh thái chuyên nghiệp hơn, bao gồm minh bạch mức thù lao, đánh giá đạo đức nghề nghiệp và tăng cường vai trò kiểm soát từ các nền tảng mạng xã hội, doanh nghiệp và hội nghề nghiệp.
Khi nghề KOLs được chuẩn hóa thì dù mức hoa hồng cao cũng không thể khiến họ bất chấp để vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
-Mức xử phạt hiện tại đối với hành vi quảng cáo sai sự thật (60-80 triệu đồng) được cho là quá thấp so với doanh thu khổng lồ từ hoạt động này của nhiều người nổi tiếng. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất tăng nặng chế tài, thậm chí xem xét xử lý hình sự, cấm sóng, gỡ tài khoản mạng xã hội... Theo bà, những mức chế tài này có đủ sức răn đe?
+ Tôi cho rằng việc nâng cao chế tài là cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự phân loại rõ ràng: Với các vi phạm mang tính hệ thống, gây hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể xem xét xử lý hình sự, cấm sóng, gỡ tài khoản mạng xã hội hoặc tước quyền hoạt động quảng cáo trong thời gian nhất định.
Tuy vậy, chế tài cần đi đôi với giáo dục và định hướng. Chúng ta không chỉ xử phạt mà còn phải tạo môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng thời hỗ trợ KOLs hiểu và tuân thủ luật. Chỉ khi đó, nghề quảng cáo qua người ảnh hưởng mới phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng.
Các KOLs đồng hành cùng Sở Công thương TP.HCM quảng bá hàng Việt trong chương trình Kết nối cung cầu năm 2024. Ảnh: TÚ UYÊN
Cần có chứng chỉ, cơ chế cấp phép hành nghề cho KOLs quảng cáo dược phẩm, mỹ phẩm.
- Thưa bà, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được lấy ý kiến, trong đó có đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật. Bà đánh giá về đề xuất này ra sao?
+ Tôi ủng hộ việc tăng trách nhiệm của người nổi tiếng, trong đó có cả trách nhiệm bồi thường khi xảy ra vi phạm. Trước hết, điều này phù hợp với nguyên tắc dân sự: Ai gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường.
Thứ hai, nó thể hiện sự bình đẳng trước pháp luật - không thể vì là người nổi tiếng mà đứng ngoài hệ thống trách nhiệm pháp lý.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà quảng cáo không chỉ là một công cụ thương mại mà còn có ảnh hưởng đến nhận thức xã hội, hành vi tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy, khi một cá nhân đứng ra khẳng định công dụng của sản phẩm dù là theo kịch bản hay theo yêu cầu của nhãn hàng thì họ phải tự chịu trách nhiệm trước thông tin mà họ truyền tải. Điều này là nguyên tắc nền tảng của truyền thông chuyên nghiệp.
Việc bổ sung trách nhiệm bồi thường trong luật cũng là cách để giúp người làm nghề tỉnh táo hơn khi lựa chọn nhãn hàng hợp tác.
Chúng tôi mong muốn điều luật này sẽ không chỉ có tính răn đe, mà còn tạo động lực để các KOLs đầu tư nhiều hơn vào việc kiểm chứng thông tin, cân nhắc kỹ trước mỗi chiến dịch quảng bá.
- Bà có những kiến nghị nào để hoạt động nghề nghiệp quảng cáo của KOLs, KOCs chân chính có thể phát triển một cách lành mạnh và bền vững?
+ Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp dành cho KOLs, KOCs không chỉ là khuyến nghị mà nên đi kèm với hệ thống đánh giá, chứng chỉ hoặc thậm chí là cơ chế cấp phép hành nghề trong những lĩnh vực nhạy cảm như dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, thiết lập cổng thông tin minh bạch hóa sản phẩm quảng cáo-nơi doanh nghiệp đăng ký nội dung, giấy tờ pháp lý của sản phẩm trước khi triển khai chiến dịch truyền thông.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các bên gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, các hội nghề nghiệp, nền tảng mạng xã hội và các công ty quảng cáo để xây dựng hệ sinh thái quảng cáo có kiểm soát, có hậu kiểm và có chế tài đủ mạnh.
Thứ tư, tổ chức các chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề quảng cáo cho KOLs, KOCs tương tự như việc cấp chứng chỉ hành nghề cho luật sư, bác sĩ. Đây là nghề có ảnh hưởng đến cộng đồng, và cần được làm một cách chuyên nghiệp, bài bản.
Xin cảm ơn bà.
TÚ UYÊN