Đề xuất tăng quyền quản lý trường học cho cấp xã

Đề xuất tăng quyền quản lý trường học cho cấp xã
6 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 23/5
Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong lĩnh vực giáo dục theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục.
Tại buổi làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giao sở giáo dục và đào tạo cấp tỉnh toàn quyền quản lý giáo viên và cán bộ của ngành, gồm tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, đánh giá và điều động. Việc này thống nhất trong toàn tỉnh nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu nhân lực cục bộ.
Còn cấp xã sẽ nắm toàn bộ thẩm quyền tổ chức lại các trường từ mầm non tới THCS, các mô hình giáo dục cộng đồng. Các quyền này gồm thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ, giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình.
Hiện cấp huyện quản lý giáo viên và hoạt động của các trường mầm non, tiểu học, THCS; cấp tỉnh phụ trách bậc THPT.
Theo bộ, đề xuất này dựa trên cơ sở phân tích kỹ năng lực quản lý, yêu cầu thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng, không chia cắt chuyên môn.
Bộ cũng đề xuất chuyển thẩm quyền phê duyệt các chương trình giáo dục tích hợp nước ngoài, cấp phép tổ chức thi ngoại ngữ quốc tế từ bộ về chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc giám đốc sở giáo dục và đào tạo.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị bộ phân cấp tối đa, chỉ giữ lại những việc chịu trách nhiệm quản lý thống nhất trên cả nước.
Vì vậy, bộ rà soát, thống kê toàn bộ nhiệm vụ hiện có và nêu rõ, xác định thẩm quyền mỗi cấp. Phó Thủ tướng cũng đề nghị bộ lý giải cụ thể về việc phân cấp, phân quyền, tránh cực đoan "giữ lại quá nhiều hay đẩy đi hết". Bên cạnh đó, bộ cần nghiên cứu tăng thẩm quyền cho cấp xã.
Đầu tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận 127, giao Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến, số tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ giảm từ 63 xuống 34; số xã giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000; bỏ cấp huyện.
Ngành giáo dục hiện quản lý hơn 23 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông, gần 54.000 trường học.
TB (tổng hợp)
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/de-xuat-tang-quyen-quan-ly-truong-hoc-cho-cap-xa-412293.html