Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đáng chú ý, đơn vị soạn thảo cũng đề xuất thay đổi thời hiệu xử lý vi phạm hành chính.
Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Cụ thể, Điều 6 của Dự thảo quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm, trường hợp luật khác có quy định về thời hiệu thì tối đa không quá 5 năm;
Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau: Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 3 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này;
Đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính từ 1 năm lên 2 năm. Ảnh: TN
Theo đơn vị soạn thảo việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 quy định tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước là 2 năm, đồng thời cho phép các luật khác quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 5 năm.
Lí do được đơn vị soạn thảo đưa ra là việc quy định cho phép các luật khác quy định thời hiệu xử phạt nhằm nâng cao tính chủ động trong việc quản lý nhà nước theo các ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế chính sách chủ động, linh hoạt, phù hợp với các yêu cầu, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên thực tế. Đồng thời, việc tăng thời hiệu xử phạt nhằm cường hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi vi phạm trong bối cảnh vi phạm hành chính diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, tránh tình trạng khi hồ sơ vụ vi phạm hành chính được chuyển người có thẩm quyền xử phạt thì đã hết thời hiệu xử phạt.
Đơn vị soạn thảo cũng thay thế cụm từ “thực hiện lần cuối hành vi vi phạm” thành “thực hiện hành vi” tại điểm d khoản 2 Điều 6. Vì theo Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện 1 trong các hành vi theo quy định tại Điều 32 Luật này thì sẽ là đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, không phụ thuộc vào số lần thực hiện hành vi.
Tăng thời hiệu sẽ khó kiểm soát?
Liên quan đến nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý như sau:
Về việc điều chỉnh thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính), so với luật hiện hành, Dự thảo đã có sự điều chỉnh đối với thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo hướng: Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước từ 1 năm lên 2 năm; Cho phép các luật khác quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 5 năm.
Theo VCCI cần cân nhắc việc tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: TN
Theo VCCI, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo công bằng và hiệu quả trong thực thi pháp luật. Nhìn từ góc độ của đối tượng vi phạm và cơ quan điều tra, xử lý, thời hiệu sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của đối tượng vi phạm bằng cách ngăn chặn việc xử phạt sau một khoảng thời gian dài không rõ ràng; đảm bảo rằng các vi phạm không bị xử lý tùy tiện hoặc kéo dài không có giới hạn; thúc đẩy các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Dự thảo đang đề xuất tăng thời hiệu lên thời hạn gấp đôi so với quy định hiện hành, thậm chí là có thể 5 năm, điều này cần được đánh giá tác động một cách kỹ càng.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Cụ thể, theo VCCI, điều này có thể tác động bất lợi đến đối tượng vi phạm, gây bất an cho các đối tượng vi phạm về khả năng bị xử phạt trong thời gian dài hơn, ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Tăng nguy cơ lạm dụng quyền lực từ phía cơ quan có thẩm quyền xử phạt, như việc kéo dài thời gian điều tra không cần thiết và áp dụng các biện pháp không công bằng;
“Việc cho phép các luật khác quy định về thời hiệu, mặc dù tăng tính chủ động, nhưng lại khó kiểm soát được việc xác định thời hiệu một cách công bằng. Luật Xử phạt vi phạm hành chính cần đưa ra nguyên tắc về xác định thời hiệu ở những nhóm hành vi vi phạm có cùng tính chất để giới hạn về thời hiệu xử phạt. Nếu chuyển giao việc quy định thời hiệu ở các luật khác sẽ có nguy cơ các luật chuyên ngành sẽ tùy nghi quy định và không thể kiểm soát được việc các luật này quy định thời hiệu ở thời gian dài hơn, thậm chí là tối đa 5 năm”- VCCI phân tích.
Mặt khác, theo VCCI cơ quan soạn thảo cần đưa ra đánh giá cụ thể dựa trên số liệu thực tế về bất cập của thời hiệu 1 năm của quy định hiện hành tác động như nào tới việc xử lý vi phạm hành chính đến mức buộc phải thay đổi theo hướng tăng lên gấp đôi.
Từ những phân tích trên, VCCI đưa ra kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc điều chỉnh tăng thời hiệu. Quy định cứng tại Dự thảo về thời hiệu áp dụng cho tất cả các lĩnh vực như quan điểm tiếp cận của Luật hiện hành. Trong trường hợp, có lý do thuyết phục để cho phép các luật chuyên ngành quy định về thời hiệu, cần đưa ra nguyên tắc để xác định thời hiệu nhằm kiểm soát tình trạng các luật chuyên ngành kéo dài thời hiệu và cũng thể hiện được vai trò của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
THY NHUNG