Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, với nhiều nội dung mới.
Tồn tại những hạn chế trong thủ tục rút gọn
Tương tự như Luật Ban hành VBQPPL 2015, ngoài quy trình thông thường, để đẩy nhanh tiến độ ban hành VBQPPL, dự thảo Luật quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chủ trì soạn thảo, việc thực hiện xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Luật VBQPPL 2015 còn một số tồn tại, hạn chế như: (i) Tiêu chí xác định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn quy định còn chưa rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng cho các cơ quan trong quá trình thực hiện hoặc dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng để ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn...
(ii) Chưa quy định rõ ràng về việc có phải lập đề nghị và thời điểm đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn nên trên thực tế các cơ quan vẫn lập hồ sơ đề nghị theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu về tính nhanh chóng, kịp thời ban hành văn bản;
(iii) Quy định Thủ tướng xem xét, quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm cho ý kiến đối với việc ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn chưa đề cao vai trò của Bộ trưởng trong việc chịu trách nhiệm toàn diện về việc áp dụng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản và nội dung của văn bản do mình ban hành.
Nhiều đề xuất liên quan đến việc ban hành văn bản. Ảnh minh họa: Freepik
Mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Do đó, để xử lý những vướng mắc nêu trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 4 vấn đề.
Thứ nhất, chỉ quy định về việc ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật tình trạng khẩn cấp; trường hợp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ (bỏ quy định về trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để tránh lạm dụng trong thực tiễn).
Bổ sung trường hợp cần sửa đổi ngay các văn bản mà nội dung sửa đổi không phức tạp; nội dung sửa đổi, bổ sung chỉ mang tính kỹ thuật đối với nhiều quy định ở nhiều văn bản do cùng một cơ quan ban hành; không làm phát sinh lớn về nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm thực hiện.
Thứ hai, mở rộng phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành thông tư.
Trước đây, Luật Ban hành VBQPPL 2008 và 2015 không cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành thông tư.
Tuy nhiên, để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã mở rộng phạm vi, cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tuy nhiên, Luật này chỉ cho phép áp dụng trong 3 trường hợp: (i) trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; (ii) trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (iii) trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Nay, dự thảo Luật cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để xây dựng thông tư trong tất cả các trường hợp, tương tự như các loại VBQPPL khác.
Đáng chú ý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ tự quyết định việc ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn mà không cần phải xin ý kiến Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thứ ba, quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách và soạn thảo VBQPPL.
Thứ tư, quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn.
Theo quy định hiện hành, thời gian để xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn phải mất từ 7 đến 10 tháng (bao gồm cả quy trình lập đề nghị và soạn thảo). Theo dự thảo Luật này, thời gian để xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn chỉ mất khoảng 1 đến 2 tháng (giảm được 6 đến 8 tháng so với hiện hành).
QUỲNH LINH