Bổ sung nguyên tắc chung cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá
Với phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Thông tư (DTTT) bổ sung hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi giữa các TCTD, CNNHNNg vào phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD 2024, đồng thời bổ sung cụm từ “trên lãnh thổ Việt Nam” để làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh của Thông tư. DTTT bổ sung một số hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư như hoạt động cho vay đặc biệt của tổ chức tín dụng đối với tổ chức tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay đặc biệt; Hoạt động điều hòa vốn giữa ngân hàng hợp tác xã với các quỹ tín dụng nhân dân; Hoạt động cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi giữa các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của cùng một ngân hàng nước ngoài…
Nguyên tắc chung thực hiện hoạt động cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá, DTTT quy định:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phù hợp với phạm vi cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan; tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá của mình; Có quy định nội bộ về hoạt động cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tại thời điểm vay, nhận tiền gửi, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được có nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, trừ trường hợp TCTD, CNNHNNg được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc) đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt (nếu có).
DTTT bổ sung nguyên tắc trên nhằm đảm bảo TCTD, CNNHNNg thực hiện cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn GTCG phù hợp với phạm vi hoạt động ghi trong Giấy phép do NHNN cấp hoặc theo quy định của Chính phủ (đối với ngân hàng chính sách).
Bảo đảm thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả
Về phương thức giao dịch, DTTT quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác thông qua phương thức giao dịch trực tiếp hoặc thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Việc lựa chọn áp dụng phương thức thực hiện giao dịch do các bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện của từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phải bảo đảm thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.
Tại điều khoản này, DTTT kế thừa quy định tại Thông tư 21, đồng thời quy định cụ thể TCTD, CNNHNNg có thể thực hiện cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác thông qua phương thức giao dịch trực tiếp hoặc thông qua phương tiện điện tử.
DTTT bỏ quy định các giao dịch bằng đồng VN giữa các thành viên của thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) phải thực hiện thanh toán qua hệ thống TTĐTLNH vì theo quy định hiện hành, hệ thống TTĐTLNH là hệ thống thanh toán điện tử do NHNN xây dựng, quản lý, sử dụng và vận hành theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc các thành viên phải sử dụng. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành tại Luật NHNN, các nghị định của CP không có quy định bắt buộc các TCTD là thành viên của hệ thống TTĐTLNH phải sử dụng hệ thống TTĐTLNH để thực hiện thanh toán các giao dịch bằng đồng Việt Nam…
Nguyên tắc, hình thức cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi
Dự thảo Thông tư nêu rõ nguyên tắc cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi chỉ được thực hiện tại trụ sở chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trụ sở chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phê duyệt, cấp hạn mức cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, ký thỏa thuận cho vay, gửi tiền và được ủy quyền bằng văn bản cho chi nhánh thực hiện việc chuyển tiền, nhận tiền thanh toán, quản lý khoản cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi.
Bên cho vay, gửi tiền có quyền yêu cầu bên vay, nhận tiền gửi cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết đến bên vay, nhận tiền gửi, tình hình nợ quá hạn trên 10 ngày tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác của bên vay, nhận tiền gửi quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này. Bên vay, nhận tiền gửi có trách nhiệm cung cấp trung thực, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của bên cho vay, gửi tiền và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, tài liệu.
Bên vay, nhận tiền gửi có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ và đúng hạn tiền gốc, lãi của khoản vay, tiền gửi cho bên cho vay, gửi tiền theo thỏa thuận cho vay, gửi tiền…
Các bên thỏa thuận áp dụng hình thức cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi từng lần, theo hạn mức hoặc theo các hình thức khác đảm bảo thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Trường hợp áp dụng hình thức cho vay, gửi tiền theo hạn mức, định kỳ tối thiểu 01 năm một lần, bên cho vay, gửi tiền xem xét, đánh giá và xác định hạn mức cho vay, gửi tiền phù hợp đối với bên vay, nhận tiền gửi. Hạn mức cho vay, gửi tiền phải do người có thẩm quyền của bên cho vay, gửi tiền phê duyệt...
PT