Thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đạt đủ các tiêu chuẩn
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình trước Quốc hội, Chính phủ đề xuất thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình
Thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Trong đó, đã áp dụng tiêu chuẩn đặc thù của“đô thị di sản” khi đánh giá 2 chỉ tiêu thuộc 2 tiêu chuẩn, gồm: tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc (thuộc tiêu chuẩn “đơn vị hành chính trực thuộc”); thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (thuộc tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội”).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Trong quá trình thẩm tra, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, một số ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Như các vấn đề về thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân; vấn đề hình thành và nâng cao chất lượng đời sống đô thị của người dân; việc thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi;…
Cơ quan thẩm tra lưu ý, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan và địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, sớm ổn định hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở địa phương, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của nhân dân.
Không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường
Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, thời gian qua, thành phố đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của thành phố.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng được Chính phủ đề xuất là: Chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Dự thảo Nghị quyết quy định chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên và UBND phường thực hiện.
Đồng thời, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, quận, thành phố Thủy Nguyên và phường để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND Thành phố tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường thuộc quận.
Theo đó, để bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND Thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay, gồm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 phó trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách thuộc các Ban của HĐND Thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ quy định giao UBND Thành phố quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố thuộc Thành phố để bảo đảm nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền và bảo đảm tính thống nhất với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương.
Dương An