Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, nội dung, chất lượng của dự thảo các phần, chương trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); gửi Bộ Công an trước ngày 10-4-2025 để tổng hợp.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều giảng viên nêu ý kiến rằng BLHS cần bổ sung quy định để xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cho xã hội, mới xuất hiện trong các lĩnh vực như công nghệ mới, kiểm toán độc lập, thuốc lá điện tử,…
Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến của các giảng viên.
ThS PHẠM THANH TÚ, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM:
Bổ sung hành vi phạm tội liên quan đến thuốc lá điện tử
ThS Phạm Thanh Tú, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM
Theo Nghị quyết 173/2024, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử từ năm 2025. Điều 190, 191 BLHS hiện hành quy định về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Có ý kiến cho rằng có thể xem thuốc lá điện tử thuộc đối tượng tác động là hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng. Tuy nhiên, theo Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 1751/QĐ-BGDĐT năm 2022, tác hại của thuốc lá điện tử không thua kém thuốc lá điếu, đặc biệt đối với giới trẻ (là nhóm người sử dụng chủ yếu).
Do đó, cần quy định thành một đối tượng tác động độc lập xếp sau thuốc lá điếu ở khoản 1 Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và khoản 1 Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm). Việc quy định định lượng để truy cứu TNHS cần được nghiên cứu kỹ đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tính chất mức độ nguy hiểm của nó.
Tác hại của thuốc lá điện tử không thua kém thuốc lá điếu, đặc biệt đối với giới trẻ. Ảnh: AI
Đối với hoạt động kiểm toán độc lập, xét về thực trạng thực thi pháp luật, khi có hành vi vi phạm liên quan đến kiểm toán độc lập thì các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, các kiểm toán viên có thể bị đình chỉ hoạt động theo Nghị định 41/2018.
Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 quy định hành vi liên quan đến lĩnh vực này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, thực tế đối với hành vi này dưới góc độ hình sự thì chỉ người đứng đầu doanh nghiệp, người thực hiện hành vi sai phạm trong kiểm toán độc lập bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn doanh nghiệp không bị truy cứu (ví dụ: doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…). Điều này dẫn tới bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo pháp chế.
BLHS năm 2015 hiện hành có Mục 2 Chương XVIII quy định về các tội xâm phạm lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm nhưng không có điều luật nào quy định về hành vi này.
Vì vậy, theo tôi cần bổ sung một tội danh độc lập thuộc Mục 2 chương XVIII: Tội vi phạm quy định về kiểm toán độc lập gây hậu quả nghiêm trọng. Tội danh này áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại.
TS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Đảm bảo tương thích với Công ước Liên Hợp Quốc
Tiến sĩ TRẦN THANH THẢO
Việc sửa BLHS cần thống kê từ thực tiễn các khó khăn, vướng mắc khi thi hành Bộ luật Hình sự để xây dựng các quy định cho phù hợp, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Ngoài ra, cần đánh giá tình hình vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm; những hành vi vi phạm nào mà các điều ước quốc tế có liên quan yêu cầu xử lý hình sự nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự; đánh giá bối cảnh tình hình mới và những yêu cầu đặt ra.
Theo tôi, cần bổ sung quy định về việc pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội phạm CNTT. Vì các công ước về tội phạm CNTT hiện nay đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải truy cứu TNHS đối với pháp nhân khi tội phạm CNTT do cá nhân thực hiện vì lợi ích của pháp nhân hoặc nhân danh pháp nhân và cá nhân phạm tội là người đại diện của pháp nhân đó.
Trong khi, thực tiễn tại Việt Nam đã xảy ra nhiều trường hợp pháp nhân được thành lập chỉ nhằm mục đích thực hiện một số tội phạm CNTT nhưng do BLHS hiện hành chưa quy định pháp nhân là chủ thể của các tội phạm này nên việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với các cá nhân trực tiếp thực hiện tội phạm.
Về nhóm công nghệ mới, ngày 24-12-2024, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên Hợp Quốc về Tội phạm mạng. Công ước ra đời là dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng.
Theo quy định tại Điều 64 Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”. Do đó, khi đưa nhóm hành vi liên quan đến công nghệ mới vào BLHS thì phải đảm bảo các quy định tương thích với Công ước.
Bổ sung tình tiết tăng nặng "sử dụng công nghệ mới để phạm tội”
Theo tôi, nên bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “sử dụng công nghệ mới để phạm tội” vào Điều 52 BLHS.
Cạnh đó, một số tội danh trong Chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (như khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội gián điệp…), các tội xâm phạm sở hữu (tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản…), một số tội ở Mục 3 Chương XXI (như khủng bố, tội bắt cóc con tin…) cần quy định tình tiết “sử dụng công nghệ mới” là tình tiết định khung tăng nặng.
ThS PHẠM THANH TÚ, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM
NGUYỄN CHÍNH