Kiến tạo cơ chế thông thoáng để thúc đẩy nhà ở xã hội
Tại phiên họp sáng 20/5/2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh cả nước đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành hiện mới đạt khoảng 15,6 phần trăm mục tiêu đề ra, với 66.755 căn đã hoàn thiện trên tổng số 597.152 căn thuộc 657 dự án.
Sáng 20/5/2025, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra 03 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: VPQH
Trước tình hình cấp bách, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép triển khai cơ chế đặc thù, trong đó điểm nổi bật là cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, không cần đấu thầu. Hình thức này giúp rút ngắn khoảng 200 ngày so với quy trình hiện hành, tương đương giảm hơn 70 phần trăm thời gian.
Việc giao chủ đầu tư không qua đấu thầu từng gặp khó khăn do pháp luật hiện hành yêu cầu chặt chẽ trong lựa chọn nhà đầu tư khi có từ hai nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp và địa phương, quy định này khiến tiến độ nhiều dự án kéo dài, không đạt được hiệu quả đầu tư như kỳ vọng. Việc miễn đấu thầu, đi kèm tiêu chí lựa chọn kỹ lưỡng và giao Chính phủ quy định chi tiết, sẽ giúp bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm, đồng thời giữ được sự minh bạch, công bằng trong triển khai dự án.
Dự thảo cũng đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, được xác định là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Quỹ này sẽ đảm nhận chức năng đầu tư xây dựng và tạo lập quỹ nhà ở xã hội, tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách, đóng góp tự nguyện, các khoản hợp pháp trong và ngoài nước.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, dù một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã hình thành các quỹ phát triển nhà ở, nhưng hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, quy mô chưa tương xứng. Do đó, cần một định chế tài chính có địa vị pháp lý rõ ràng, chức năng chuyên biệt để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.
Cùng với đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề xuất bãi bỏ một số thủ tục không còn phù hợp. Cụ thể, đề xuất miễn thủ tục lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết với các khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung được duyệt, giúp rút ngắn 65 ngày so với quy trình hiện hành. Đồng thời, công trình sử dụng thiết kế mẫu hoặc điển hình sẽ được miễn cấp phép xây dựng, tiết kiệm thêm 20 đến 30 ngày.
Một điểm mới khác trong dự thảo là cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu thuộc dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn đầu tư công, vốn công đoàn hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước. Hình thức này giúp giảm thời gian lựa chọn nhà thầu từ 60 đến 120 ngày xuống chỉ còn khoảng 15 ngày, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai trên thực tế.
Ngăn chặn trục lợi chính sách, đề cao trách nhiệm Nhà nước
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra, cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, bên cạnh cơ chế thông thoáng, cần đặc biệt chú trọng đến cơ chế phòng ngừa trục lợi, tiêu cực, thất thoát tài sản công trong quá trình triển khai.
Một trong những nội dung được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị rà soát kỹ là Điều 5 liên quan đến giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu. Trong đó, cần làm rõ quy định áp dụng cho dự án sử dụng vốn đầu tư công hay không sử dụng vốn đầu tư công để tránh nhầm lẫn. Ngoài ra, cần thống nhất cách quy định giữa các khoản trong điều luật, bảo đảm rõ ràng, tránh áp dụng tùy tiện.
Về chức năng của Quỹ Nhà ở Quốc gia, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ liệu quỹ này có đảm đương vai trò chủ đầu tư dự án hay không. Nếu có, cần xác định rõ khả năng pháp lý, năng lực thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và các luật liên quan. Đồng thời, để tránh mở rộng quá mức chức năng của Quỹ, gây trùng lặp, đề nghị xây dựng cơ chế tài chính cụ thể, bảo đảm tăng cường xã hội hóa nguồn vốn và không lạm dụng ngân sách nhà nước.
Một nội dung khác gây tranh luận là việc hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư trong trường hợp có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cơ quan thẩm tra cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Do đó, đề nghị Chính phủ xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đồng thời quy định rõ thời điểm hoàn trả để tránh tùy tiện, gây thất thoát.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề xuất bổ sung chính sách cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, người lao động, thay vì chỉ cá nhân trực tiếp ký hợp đồng như hiện hành. Việc mở rộng đối tượng sẽ giúp giải quyết tình trạng người lao động phải sống trong khu nhà trọ thiếu điều kiện tối thiểu, đồng thời tăng tính chủ động cho các đơn vị trong bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, liên quan đến điều kiện được mua nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng quy định hiện hành chưa phù hợp trong bối cảnh tổ chức lại đơn vị hành chính. Khi các tỉnh sáp nhập, nhiều người dân bị coi là đã có nhà ở tại tỉnh mới dù thực tế vẫn cần chỗ ở tại địa bàn cũ. Do đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định mềm dẻo hơn, tính theo địa bàn hành chính trước khi sáp nhập.
Với những cơ chế được thiết kế đồng bộ, tập trung vào gỡ vướng thủ tục và mở rộng chính sách hỗ trợ, Chính phủ kỳ vọng Nghị quyết thí điểm lần này sẽ tạo ra đột phá thực chất trong phát triển nhà ở xã hội. Đây không chỉ là nhiệm vụ về phát triển đô thị, mà còn là trách nhiệm chính trị, đạo lý và chiến lược phát triển bền vững quốc gia.
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2025, cả nước mới hoàn thành 66.755 căn hộ nhà ở xã hội, đạt khoảng 15,6 phần trăm mục tiêu của Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 đến 2030.
Hoàng Nhưỡng