Đề xuất Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sau sắp xếp

Đề xuất Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sau sắp xếp
5 giờ trướcBài gốc
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, Dự thảo đề xuất Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Thủ tướng có thể chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sau sáp nhập.
Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp.
UBND do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Theo Dự thảo, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.
Cũng theo đề xuất, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp. Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp; Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp; Thường trực HĐND cấp xã chỉ định Ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Lý giải về đề xuất trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong dự thảo Nghị quyết cần có quy định để chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ xác định một khoảng thời gian chuyển tiếp phù hợp để các cơ quan ở cấp huyện hoàn thành việc bàn giao, kết thúc hoạt động; các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sau khi sắp xếp (bao gồm cả chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) kịp rà soát, tiếp nhận cán bộ, công chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, kiện toàn về tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc để chính thức đi vào hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết; bảo đảm các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết theo đúng tiến độ yêu cầu, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội và người dân.
Để kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới, đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần có điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 Điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Cũng theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần áp dụng cơ chế này trước hết là do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này. Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc nhập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn như vậy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐND chỉ còn rất ngắn, đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, thì việc áp dụng cơ chế chỉ đinh đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Tuy hình thức là chỉ định nhưng công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn phải được tiến hành hết sức chặt chẽ và do cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện theo đúng quy định của Đảng. Cơ chế này chỉ thực hiện trong năm 2025 để phục vụ việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này gắn với nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp (về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện), còn sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện bầu nhân sự bình thường theo đúng quy định hiện hành, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Hải Đăng
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-thu-tuong-chi-dinh-chu-tich-pho-chu-tich-ubnd-tinh-thanh-pho-sau-sap-xep-d58150.html