Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM hôm nay (25/12) làm việc với Bệnh viện Hùng Vương về phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân thành phố.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - đã có một số đề xuất trong việc nâng cao sức khỏe sinh sản cho người dân, như hỗ trợ tiêm vắc xin HPV, khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Theo bà Tuyết, ung thư cổ tử cung là một bệnh lý thường gặp ở Việt Nam, gây ra gánh nặng rất lớn cho xã hội.
"Tuy nhiên, điều may mắn là căn bệnh này có thể dự phòng bằng vắc xin HPV. Hiện nay, Bộ Y tế đã mở rộng độ tuổi tiêm vắc xin HPV lên 45 tuổi. Tuy nhiên, vắc xin lại có hiệu quả cao nhất khi được tiêm trước khi quan hệ tình dục, đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên” - bà Tuyết cho biết.
Do đó, bà đề xuất TPHCM nên đưa chương trình tiêm vắc xin HPV trở thành thường quy, đặc biệt là ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việc này sẽ xây dựng hệ miễn dịch và ngăn chặn bệnh ung thư cổ tử cung xảy ra ở thế hệ tương lai.
Ngoài ra, theo bà Tuyết, để hướng tới xóa sổ ung thư cổ tử cung, thành phố cũng cần có chính sách giúp tăng khả năng phát hiện và sàng lọc bệnh.
"Tỷ lệ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ hiện nay mới chỉ đạt khoảng 30%. Để tiến tới xóa sổ căn bệnh này trong năm 2030, tỷ lệ khám sàng lọc phải lên tới 90%.
Do đó, tôi đề xuất TPHCM cần có chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung rộng khắp và định kỳ đối với phụ nữ dưới 65 tuổi, đặc biệt là ở các nhóm đối tượng yếu thế. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, từ đó giảm bớt nỗi đau của những đứa trẻ bị mồ côi mẹ do ung thư cổ tử cung gây ra” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Một ca sinh nở tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Linh Thùy
Cũng tại buổi làm việc, PGS Diễm Tuyết đề xuất hệ thống bảo hiểm y tế cần có các chính sách hỗ trợ điều trị hiếm muộn.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ hiếm muộn ở các cặp đôi trong độ tuổi sinh sản tại Việt Nam là 10%. Cùng với tỷ lệ sinh thấp, hiếm muộn cũng gây ra nhiều hệ lụy lớn đối với xã hội.
Theo bác sĩ Tuyết, hiện nay, chi phí làm hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam được đánh giá là thấp so với khu vực, nhưng vẫn khá cao đối với thu nhập của người dân trong nước. Do đó, bà đề xuất trong thời gian tới, hệ thống bảo hiểm y tế sẽ có điều chỉnh trong việc hỗ trợ điều trị hiếm muộn, vô sinh. Chính sách này không chỉ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân mà còn giúp nhiều cặp đôi được thực hiện thiên chức làm cha mẹ, giúp gắn kết hạnh phúc gia đình.
Trả lời kiến nghị của PGS Diễm Tuyết, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cho hay hiện nay, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ trong điều trị hiếm muộn. Luật Bảo hiểm y tế đang trong quá trình sửa đổi và thảo luận, cân nhắc bổ sung việc mở rộng chi trả cho điều trị vô sinh.
Linh Thùy