Tổng thống Donald Trump đưa ra đề xuất gây sốc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư vĩnh viễn hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza sang các nước láng giềng
Không loại trừ triển khai quân đội Mỹ đến Dải Gaza
Tân Tổng thống Donald Trump vừa bất ngờ tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza sau khi di dời người Palestine đến nơi khác, phá vỡ chính sách hàng thập kỷ của Mỹ về xung đột Israel - Palestine và châm ngòi làn sóng chỉ trích khắp nơi trên thế giới. Đề xuất chấn động này được ông Donald Trump đưa ra trong cuộc họp báo chung vào ngày 4-2 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở thăm Mỹ, khi nói rằng, Mỹ sẽ tiếp quản, tái thiết Dải Gaza và tái định cư vĩnh viễn hơn 2 triệu người Palestine ở đây đến các nước láng giềng, đồng thời thúc giục các nước này tiếp nhận họ. Tân chủ nhân của Nhà trắng cho biết thêm, Mỹ “sở hữu Dải Gaza và chịu trách nhiệm tháo dỡ tất cả các quả bom chưa nổ nguy hiểm và các vũ khí khác, san phẳng vùng đất và loại bỏ các tòa nhà bị phá hủy”. Ông Donald Trump cũng không loại trừ triển khai quân đội Mỹ đến Dải Gaza để đảm bảo an ninh ở vùng đất này “nếu cần thiết”.
Đề xuất gây chấn động của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh các bên liên quan bắt đầu tính tới việc tái thiết Dải Gaza khi mà Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang thực thi lệnh ngừng bắn, có thể tiến tới một thỏa ước hòa bình. Vùng đất này đã bị Israel tàn phá tới mức gần như hủy diệt trong chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm “tiêu diệt Hamas” sau cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng này vào Isarael ngày 7-10-2023 làm khoảng 1.200 người thiệt mạng.
Ngoài tổn thất vô cùng nặng nề về sinh mạng với hơn 47.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác bị thương, nhiều khu vực ở Dải Gaza gần như bị san phẳng dưới “mưa bom bão đạn” của Israel. Theo dữ liệu vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) vào tháng 12-2024, 2/3 số tòa nhà trước chiến tranh ở Gaza, tức hơn 170.000 tòa nhà, đã bị hư hại hoặc san phẳng. Con số này tương đương khoảng 69% tổng số tòa nhà trong Dải Gaza với khoảng 245.000 căn nhà, làm hơn 1,8 triệu người Palestine ở Gaza cần nơi trú ẩn khẩn cấp.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại về cơ sở hạ tầng ước tính lên tới 18,5 tỷ USD tính đến cuối tháng 1-2024, ảnh hưởng đến các tòa nhà dân cư, thương mại, công nghiệp và các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế và năng lượng. Cập nhật từ Liên hợp quốc vào tháng 1-2025 cho thấy ít nhất 68% mạng lưới đường sá ở Dài Gaza đã bị hư hại. Theo dữ liệu của Palestine, bom đạn đã phá hủy hơn 200 cơ sở chính phủ, 136 trường học và đại học, 823 nhà thờ Hồi giáo và 3 nhà thờ Thiên Chúa giáo. Nhiều bệnh viện đã bị hư hỏng trong cuộc xung đột, chỉ 17 trong số 36 cơ sở y tế còn hoạt động một phần tính đến tháng 1 vừa qua.
Mức độ tàn phá đặc biệt nghiêm trọng dọc biên giới phía Đông Gaza. Đã có hơn 90% số tòa nhà trong khu vực này đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp của Gaza, vốn rất quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho người dân vùng này bị tàn phá do xung đột. Đánh giá thiệt hại của Liên hợp quốc công bố tháng 1-2025 cho thấy, chỉ riêng việc dọn dẹp hơn 50 triệu tấn đổ nát do các cuộc không kích của Israel có thể kéo dài 21 năm và tiêu tốn tới 1,2 tỷ USD.
Tái thiết hay tiếp quản, kiểm soát?
Dù việc tái thiết Dải Gaza là đòi hỏi cấp thiết, song việc chính quyền tân Tổng thống Donald Trump muốn “tiếp quản và tái định cư vĩnh viễn người Palestine đi các nước khác” là không thể chấp nhận. Điều này không chỉ trái ngược hoàn toàn với lập trường trước đó của ông Donald Trump là không can dự trực tiếp vào các cuộc xung đột, tái thiết ở nước ngoài, mà quan trọng hơn là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế hiện nay.
Nước Mỹ không thể đưa quân hay tiếp quản lãnh thổ của người khác nếu không được sự đồng ý của chính quyền có chủ quyền cũng như của người dân tại vùng lãnh thổ đó. Luật pháp quốc tế nghiêm cấm áp đặt hay dùng vũ lực để “tiếp quản” hay kiểm soát vùng lãnh thổ khác. Khi đó, Tòa án Công lý quốc tế sẽ phán quyết rằng Dải Gaza là một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và việc chiếm đóng này là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vì thế, muốn điều này xảy ra hợp pháp, Tổng thống Donald Trump cần sự đồng ý của chính quyền Palestine hợp pháp và người dân Palestine để kiểm soát Dải Gaza.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein al-Sheikh tuyên bố, PLO bác bỏ mọi lời kêu gọi di dời người Palestine khỏi quê hương của họ. Theo ông, giới lãnh đạo Palestine khẳng định lập trường vững chắc rằng giải pháp hai nhà nước phù hợp với tính hợp pháp quốc tế và luật pháp quốc tế, là sự bảo đảm an ninh, ổn định và hòa bình.
Người phát ngôn Phong trào Hamas Abdel Latif al-Qanou cho rằng, đề xuất của Tổng thống Donald Trump tương đồng quan điểm của Israel trong việc di dời người dân Palestine khỏi Dải Gaza và xóa bỏ nỗ lực đấu tranh của người Palestine vì một giải pháp hai nhà nước. Cũng theo Hamas, việc thực hiện đề xuất này sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng trong khu vực Trung Đông.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố, kế hoạch của Tổng thống Mỹ hoàn toàn “không thể chấp nhận được”, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine. Người đứng đầu tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất thế giới này nhấn mạnh, chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, trong đó Dải Gaza là một phần không thể tách rời, và một nhà nước Palestine có chủ quyền tồn tại song song trong hòa bình và an ninh với Israel là giải pháp bền vững duy nhất để đảm bảo ổn định ở Trung Đông.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Jordan Abdullah II tái khẳng định nước này hoàn toàn ủng hộ người Palestine trong việc thực hiện các quyền hợp pháp của mình để thành lập một nhà nước độc lập dựa trên đường biên giới trước năm 1967, bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Phản ứng trước đề xuất của Mỹ, Quốc vương Jordan đã kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực nhằm sáp nhập đất đai hoặc di dời cưỡng bức người Palestine khỏi Dải Gaza và Bờ Tây.
Trước chỉ trích và phản ứng gay gắt của người Palestine cũng như cộng đồng quốc tế, trong động thái mới nhất, các quan chức cấp cao Mỹ dường như đang nỗ lực rút lại những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư người Palestine sang quốc gia khác. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 5-2 cho rằng, Tổng thống Donald Trump chỉ muốn người Palestine “tạm thời rời đi trong khi Gaza được tái thiết”. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cũng nói thêm rằng, đề xuất của vị chủ nhân Nhà trắng chỉ là cho thấy “Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Dải Gaza dọn dẹp đống đổ nát, những bom mìn còn sót lại và tái thiết vùng lãnh thổ này sau xung đột”.