Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng sáng nay trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hải Phòng
Theo ông Thắng, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 cho thấy một số cơ chế, chính sách như quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý đất đai, quy hoạch và thu nhập cán bộ, công chức thuộc TP quản lý đã đạt được kết quả nhất định, song chưa tạo ra sự đột phá cho Hải Phòng.
“Việc ban hành nghị quyết mới thay thế nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026-2030. Điều này là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội
Dự thảo đề xuất phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Hải Phòng tăng tính chủ động, sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm với 6 nhóm chính sách lớn và 41 chính sách cụ thể liên quan tới các lĩnh vực quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, Chính phủ cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. TP thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
Sau khi ngân sách TP Hải Phòng bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành trong thời gian thực hiện nghị quyết này, HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn này để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc.
Mức chi tăng thêm không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Nội dung chính sách này đã được Quốc hội cho phép TP thực hiện tại Nghị quyết số 35/2021 và đạt được các kết quả tích cực.
Do vậy, Chính phủ đề nghị tiếp tục đề xuất chính sách này trình Quốc hội thông qua, cho phép Hải Phòng tiếp tục áp dụng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất thành lập và có các cơ chế, chính sách trong khu thương mại tự do (TMTD) tại TP.
Dự thảo nêu rõ đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đột phá, nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu TMTD Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng như khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ…
Dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho UBND TP quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu TMTD Hải Phòng gắn với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.
Các cơ chế, chính sách quy định tại nghị quyết này được tiếp tục áp dụng cho đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau khi TP Hải Phòng sáp nhập với đơn vị hành chính cấp tỉnh khác.
Cơ chế đặc thù phải phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhất trí với cơ chế ưu đãi về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Hải Phòng.
Theo cơ quan thẩm tra, chính sách này phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 27/2018 của Ban chấp hành Trung ương nêu rõ: “Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”.
Chính sách này hiện được áp dụng tương tự tại TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Với các chính sách khác, ông Mãi lưu ý việc đánh giá, mục tiêu đặt ra hiện cơ bản dựa trên cơ sở địa giới, dân số và tiềm năng của Hải Phòng trước khi sáp nhập.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quốc hội
“Việc xây dựng chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp, tương ứng để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội; phù hợp với ý kiến của Bộ Chính trị về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy” - ông Mãi cho biết.
Ông Mãi cũng kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.
Về việc thành lập khu TMTD, ông Mãi đánh giá đây không chỉ mang tính chất kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần làm rõ tác động đến tăng trưởng, xã hội, cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm “thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội”.
Thế Vinh