HIDS đề xuất TP.HCM tạm thời mở "làn xanh" dành riêng cho xe điện nếu tỷ lệ điện hóa giao thông cao hơn 70% sau mỗi năm báo cáo. Ảnh: Phương Lâm.
Đây là đề xuất của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) tại Dự thảo Đề án chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM.
HIDS cho biết việc chuyển đổi 400.000 xe 2 bánh của tài xế công nghệ sang xe điện là bước đi mang tính chiến lược, tác động sâu rộng đến nhân lực, chuỗi cung ứng và hạ tầng đô thị.
Do đó, việc chuyển đổi này cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh để đảm bảo trách nhiệm và phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp vận tải công nghệ, nhà sản xuất và đội ngũ tài xế.
Viện đề xuất TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt đề án với mục tiêu đến tháng 12/2029, 100% phương tiện 2 bánh dùng cho dịch vụ giao hàng và gọi xe công nghệ phải là xe điện.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi được chia rõ ràng qua các mốc thời gian, bao gồm dừng cấp mới, hạn chế dần xe xăng và giới hạn phạm vi di chuyển, đi kèm giải pháp khuyến khích rõ ràng tạo "đệm" chính sách để vừa bảo vệ quyền lợi tài xế, vừa thúc đẩy đầu tư hạ tầng sạc.
Đáng chú ý, HIDS đề xuất trao quyền cho UBND cấp cơ sở tạm thời mở "làn xanh" chỉ dành cho xe điện nếu tỷ lệ điện hóa giao thông trên địa bàn cao hơn 70% sau mỗi năm báo cáo, hoặc trao quyền cho HĐND cấp cơ sở ban hành nghị quyết phủ xanh giao thông toàn địa bàn nếu tỷ lệ điện hóa giao thông trên địa bàn cao hơn 90% sau mỗi năm báo cáo để tạo thêm áp lực tuân thủ.
Theo dự thảo đề án, từ tháng 1/2026, TP.HCM có thể bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1/1/2026 vẫn hoạt động bình thường và cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Từ tháng 1/2027, xe xăng hạn chế hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được TP.HCM quy định.
Từ tháng 1/2028, chính sách kiểm soát khí thải sẽ được siết chặt theo quy định.
Từ tháng 12/2029, TP.HCM có thể cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Với đề án triển khai vùng phát thải thấp, Viện đề nghị quy định tất cả phương tiện chạy xe xăng không được phép hoạt động ở các vùng này sau tháng 1/2028.
Tài xế ngoại tỉnh khi hoạt động trên địa bàn TP.HCM được hưởng các chính sách như tài xế địa phương, đồng thời phải tuân thủ các quy định do thành phố ban hành.
Cũng theo lộ trình chuyển đổi được Viện đề xuất, trong giai đoạn khởi động từ nay đến hết năm 2026, TP.HCM có thể lựa chọn thí điểm tại 6 phường trung tâm thành phố có mật độ tài xế công nghệ cao nhằm tập trung nguồn lực ở khu vực có nhu cầu thực tế lớn nhất. Đây cũng là những khu vực có hạ tầng logistics phát triển và vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng cần được ưu tiên xử lý.
Tài xế được yêu cầu phải hoạt động ít nhất 6 tháng trên nền tảng, nhằm tạo điều kiện đánh giá tác động thực tế của xe điện trong môi trường vận hành liên tục, bền vững.
Đến giai đoạn nhân rộng trong năm 2027, TP có thể công bố các phường nội đô là "Khu vực giao hàng xanh" - đặt ra các giới hạn hoạt động xe xăng, tăng áp lực để các đơn vị và tài xế nhanh chóng chuyển đổi. Phạm vi chuyển đổi sang xe điện có thể mở rộng ra toàn bộ các xã và 2 tỉnh vệ tinh giúp đảm bảo tính liên tục trong chuỗi logistics, tránh "đứt gãy" do vùng phủ hạ tầng chưa đồng đều.
Năm 2028 được xem là giai đoạn tối ưu hóa và đảm bảo mục tiêu, TP.HCM sẽ hoàn thiện pháp lý, loại bỏ hoàn toàn xe xăng trong giao hàng nội đô, khẳng định vai trò đầu tàu trong chuyển đổi năng lượng giao thông quốc gia và góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Thảo Liên