Đề xuất việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ quyết định

Đề xuất việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ quyết định
6 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 22/10.
Tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia
Theo dự thảo luật, các thành phần công nghệ thông tin chính của Trung tâm dữ liệu quốc gia gồm: nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; cơ sở hạ tầng điện toán đám mây; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống, phần mềm quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ dữ liệu, cổng dữ liệu mở, cổng dịch vụ dữ liệu có thu phí.
Trung tâm dữ liệu quốc gia có trách nhiệm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội theo quy định pháp luật nhằm tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Đồng thời, giám sát việc bảo đảm chất lượng dữ liệu, hoạt động điều phối dữ liệu; xây dựng các hệ thống chỉ số đo lường và đánh giá hiệu suất cho hoạt động quản trị dữ liệu.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình.
Thực hiện các quy định pháp luật trong việc sử dụng mật mã để bảo mật dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước được lưu giữ, trao đổi trên không gian mạng; tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về dữ liệu; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin...
Dự kiến, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và đây sẽ là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Hiện nay, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ (dự kiến chi phí xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong giai đoạn 1 (đến năm 2025) là khoảng 20 nghìn tỉ đồng).
Căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp nhất với sự phát triển của công nghệ…
Cần làm rõ hơn về mô hình tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, cho biết, Ủy ban này cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Theo đó, việc này sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, của việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; tăng cường hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý nhà nước; tiết kiệm nguồn lực đầu tư…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ, tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Trong khi đó, ý kiến khác nhất trí về việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia nhưng đề nghị nghiên cứu để xây dựng trung tâm là một đơn vị mới thuộc Chính phủ. Có như vậy mới đủ khả năng, tiềm lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với nội dung quy định của dự thảo Luật về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tuy nhiên, đề nghị rà soát các quy định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp; đồng thời quy định biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định này…
Minh Khôi
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/de-xuat-viec-thanh-lap-trung-tam-du-lieu-quoc-gia-do-chinh-phu-quyet-dinh-166841.html