Đề xuất viên chức đại học được tham gia quản lý doanh nghiệp

Đề xuất viên chức đại học được tham gia quản lý doanh nghiệp
11 giờ trướcBài gốc
Sáng 20/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Các đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình), Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đã có những phát biểu, góp ý toàn diện cho dự thảo luật, tập trung vào các nhóm vấn đề lớn: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong giáo dục nghề nghiệp, quy định về chủ sở hữu hưởng lợi, chế tài chống trốn thuế, quy định vốn điều lệ, và bảo đảm tính khả thi khi thực thi luật.
Mở rộng phạm vi cho viên chức giáo dục nghề nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 17, bổ sung cụm từ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” bên cạnh “cơ sở giáo dục đại học”. Theo đại biểu, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng dự thảo Luật Doanh nghiệp lại chưa phản ánh kịp thời xu thế thực tiễn này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: VPQH
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh: “Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đã và đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nếu Luật không sửa đổi, sẽ gây ra sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật.” Đại biểu đề xuất sửa quy định theo hướng cho phép viên chức ở cả hai khối đại học và giáo dục nghề nghiệp được tham gia quản lý doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập. Việc phân quyền cũng cần rõ ràng: Người lao động cần sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị; người đứng đầu thì cần sự phê chuẩn của cấp quản lý trực tiếp.
Không chỉ góp ý về nội dung, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng nêu vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong xây dựng pháp luật. Đại biểu cho rằng nếu các ý kiến đóng góp hợp lý từ Quốc hội và cử tri không được tiếp thu, sau này gây khó trong thực thi pháp luật thì cần có cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng với người xây dựng luật.
Cân đối giữa minh bạch và khả năng thực thi
Đại biểu Phạm Văn Hòa tập trung góp ý về các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi, phòng chống rửa tiền và các nghĩa vụ pháp lý đối với doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, việc buộc tất cả doanh nghiệp bất kể quy mô đều phải kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi là không hợp lý. “Phần lớn doanh nghiệp nhỏ do gia đình điều hành, không có cấu trúc sở hữu phức tạp. Nếu áp quy định kê khai như doanh nghiệp lớn, sẽ tạo ra gánh nặng hành chính, thậm chí đẩy họ ra khỏi thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa cảnh báo.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VPQH
Về việc lưu trữ thông tin sau khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, đại biểu cho rằng nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Kế hoạch và Đầu tư chứ không thể đòi hỏi một pháp nhân đã chấm dứt tồn tại phải thực hiện nghĩa vụ này.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa mạnh mẽ đề nghị bổ sung chế tài hình sự với các hành vi gian lận như kê khai sai thông tin chủ sở hữu, trốn thuế, khai khống vốn điều lệ. Đại biểu nhấn mạnh: “Cần xử lý nghiêm các trường hợp này để bảo đảm công bằng thị trường, răn đe hành vi sai trái và bảo vệ ngân sách nhà nước.”
Một điểm đáng chú ý là kiến nghị bổ sung quy định cấm cá nhân vi phạm pháp luật thuế không được phép thành lập hoặc điều hành doanh nghiệp trong tương lai. Đây là đề xuất được nhiều đại biểu tán thành vì tính răn đe và bảo vệ môi trường đầu tư lành mạnh.
Về tổ chức quản lý sau đăng ký kinh doanh, đại biểu Phạm Văn Hòa phản đối việc luật yêu cầu ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại địa phương và doanh nghiệp. Theo đại biểu, việc này vừa không khả thi, vừa phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết. Việc quản lý nhà nước nên giao về cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân công cụ thể cho từng sở, ngành.
Kiến nghị rút ngắn thời gian biểu quyết, chống vốn ảo
Đại biểu Tráng A Dương đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo luật và cho biết đồng tình với 23 nội dung sửa đổi, trong đó có tới 1/3 liên quan đến phòng chống rửa tiền.
Một điểm nổi bật trong góp ý của đại biểu Tráng A Dương là kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải góp đủ vốn trong thời gian nhất định sau khi được cấp giấy đăng ký kinh doanh. Hiện nay, không ít doanh nghiệp đăng ký vốn “ảo”, không có khả năng chi trả, làm méo mó thị trường và phá vỡ môi trường đầu tư minh bạch. “Luật cần quy định rõ thời hạn, cơ chế hậu kiểm và chế tài nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn,” đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: VPQH
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi Điều 86 về hợp đồng giao dịch có liên quan trong công ty. Cụ thể, quy định hiện hành cho phép thời hạn lên tới 10 ngày để các thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết theo đại biểu là quá dài, không phù hợp với nhịp độ kinh doanh nhanh chóng. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị rút ngắn còn 2–3 ngày.
Tại Điều 167, đại biểu cũng đề xuất làm rõ tình huống tất cả các thành viên Hội đồng quản trị đều có liên quan đến giao dịch tức không ai có quyền biểu quyết. Luật hiện hành chưa quy định cụ thể cho tình huống này, dễ dẫn đến bế tắc. “Luật cần tính đến các trường hợp đồng phiếu, số chẵn, hoặc không ai đủ điều kiện biểu quyết để đảm bảo tính liên tục và minh bạch trong điều hành doanh nghiệp,” đại biểu kiến nghị.
Một vấn đề nữa được đại biểu Tráng A Dương đặt ra là sự trùng lặp giữa thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị trong các hoạt động đầu tư. Cụ thể, Điều 138 và Điều 153 hiện chưa phân định rõ quyền ra quyết định các phương án đầu tư, dự án mua bán tài sản... Luật cần làm rõ để tránh xung đột trong thực thi quyền lực doanh nghiệp.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình), Luật Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng dự thảo Luật Doanh nghiệp lại chưa phản ánh kịp thời xu thế thực tiễn này.
Hoàng Nhưỡng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/de-xuat-vien-chuc-dai-hoc-duoc-tham-gia-quan-ly-doanh-nghiep-388442.html