Đề xuất xã hội hóa hoạt động thi hành án

Đề xuất xã hội hóa hoạt động thi hành án
6 giờ trướcBài gốc
Bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Trưởng ban Pháp chế và Nghiệp vụ thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) giới thiệu những điểm mới của dự thảo Luật. Ảnh: Đặng Ngọc Thủy
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi 2025 được xây dựng gồm 66 điều, bổ sung mới 13 điều; lược bỏ 44 điều và 33 khoản, điểm so với Luật THADS hiện hành.
Một buổi thi hành án. Ảnh minh họa
Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo này là việc xã hội hóa hoạt động THADS. Theo đó, các văn phòng Thừa phát lại được đề xuất tham gia vào hoạt động này.
Theo cơ quan chủ trì dự thảo, hoạt động THADS của Thừa phát lại hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân chính là do chưa có cơ sở pháp lý về thi hành án phù hợp để Thừa phát lại thực hiện.
Theo đó, dự thảo đổi tên Văn phòng Thừa phát lại (Thừa phát lại đang được quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020) của Chính phủ thành Văn phòng THADS và Thừa hành viên.
Về thẩm quyền, Thừa hành viên (người của tổ chức tư) có quyền xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu; trường hợp đương sự cung cấp kết quả xác minh điều kiện thi hành án do Thừa hành viên thực hiện thì Chấp hành viên (người của tổ chức công) không cần thực hiện lại việc xác minh, trừ trường hợp thấy cần thiết phải xác minh lại; Thông báo về THADS; trực tiếp tổ chức thi hành các loại việc theo yêu cầu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nhóm vấn đề để hoàn thiện Luật THADS (sửa đổi) 2025.
Đáng chú ý, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, Ban soạn thảo luật cần xây dựng dự luật theo hướng quyền hạn của Thừa hành viên không khác gì Chấp hành viên (chỉ có một số nhiệm vụ là không được thực hiện). Cùng đó, có những quy định "những điều Chấp hành viên không được làm" mà lại chưa có quy định tương tự với Thừa hành viên là chưa phù hợp. Do đó, cần bổ sung "những điều không được làm với Thừa hành viên" để tránh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải chấp hành án, điều này còn giúp người dân dễ dàng giám sát.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Thừa hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án và cưỡng chế thi hành án, thu giữ tài sản. Vậy ai sẽ là người ra quyết định cho các thừa hành viên thực hiện nhiệm vụ này, nhất là khi tổ chức này chỉ là một doanh nghiệp tư nhân? Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc trao quyền năng nhà nước cho một tổ chức tư nhân; có chế tài rõ ràng đối với trưởng văn phòng THADS, người chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các hoạt động nghiệp vụ của thừa hành viên, để tránh tình trạng vi phạm mà không có căn cứ xử lý.
Hà Phong
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/de-xuat-xa-hoi-hoa-hoat-dong-thi-hanh-an-708064.html