Đề xuất xây dựng chính sách dài hạn thu hút nhân tài phục vụ chiến lược quốc gia

Đề xuất xây dựng chính sách dài hạn thu hút nhân tài phục vụ chiến lược quốc gia
8 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách, các trí thức trẻ Việt Nam ở cả trong và ngoài nước cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái phát triển nhân tài cần được coi là một trụ cột chiến lược.
Đề xuất xây dựng chính sách dài hạn thu hút nhân tài phục vụ chiến lược quốc gia. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Đại biểu Đoàn Bá Tọa (hiện công tác tại các cơ sở giáo dục tại Trung Quốc và Việt Nam) cho rằng, việc phát hiện, đào tạo và trọng dụng nhân tài chưa thực sự được đầu tư đúng tầm. Theo anh, thời gian qua, mặc dù có một số chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài, nhưng số lượng và cơ chế vận hành còn rời rạc, thiếu tính hệ thống.
“Chúng ta cần có chiến lược dài hạn, đủ sức hấp dẫn để thu hút các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trẻ từ nước ngoài quay về đóng góp cho những mục tiêu dài hạn của quốc gia, đặc biệt là trong các ngành mũi nhọn”, anh Bá Tọa nói.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI.
Góp thêm tiếng nói từ lĩnh vực kỹ thuật – môi trường, TS Trần Quốc Thiện (nghiên cứu sinh tại ĐH Texas Austin, Hoa Kỳ) chia sẻ về công trình nghiên cứu công nghệ giảm 40% khí thải CO₂ từ các nhà máy xi măng – ngành công nghiệp Việt Nam hiện đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu.
“Việt Nam có hàng trăm nhà máy xi măng, tập trung chủ yếu ở miền Bắc, vừa đóng góp lớn cho kinh tế, vừa tạo áp lực không nhỏ lên môi trường. Tôi mong có cơ chế cụ thể để những công nghệ nghiên cứu như vậy được chuyển giao về Việt Nam, được ứng dụng thực tiễn”, anh Thiện chia sẻ.
Ngoài nghiên cứu, TS Thiện còn là người sáng lập cộng đồng học thuật PhD Hub, với gần 100.000 thành viên, chỉ sau một năm hoạt động. Cộng đồng này cung cấp thông tin học bổng, định hướng nghiên cứu và hỗ trợ chuyên sâu cho các sinh viên giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.
“Một suất học bổng toàn phần có thể trị giá đến hàng tỷ đồng. Nếu mỗi năm, cộng đồng giúp được vài trăm, thậm chí vài nghìn sinh viên tiếp cận học bổng, thì quy ra là hàng nghìn tỷ đồng được huy động để đầu tư cho trí tuệ Việt”, TS Thiện nhấn mạnh. “Chúng tôi không xin ngân sách, chỉ cần Nhà nước có chính sách khích lệ và kết nối để cộng đồng phát triển bền vững”.
Từ lĩnh vực khoa học xã hội, TS Nguyễn Thị Trang – Giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công, đưa ra đề xuất xây dựng văn hóa số trong đội ngũ cán bộ, công chức. Theo chị, văn hóa số không chỉ là việc sử dụng công nghệ, mà là một chuẩn mực hành vi trong môi trường số, gắn với đạo đức công vụ, bản lĩnh chính trị và khả năng bảo vệ thông tin quốc gia.
“Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng môi trường mạng để tung tin sai lệch, gây nhiễu loạn tư tưởng. Vì vậy, người cán bộ cần không chỉ biết vận hành hệ thống số mà còn phải vững vàng về tư tưởng, chính trị”, chị Trang phân tích.
Chị cũng nhấn mạnh rằng, việc thực thi công vụ trên môi trường số đòi hỏi một thế hệ cán bộ có kỹ năng mềm tốt, khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, đặc biệt là trong quản trị địa phương và cung cấp dịch vụ công.
Từ những đề xuất mang tính chiến lược đến những giải pháp kỹ thuật cụ thể, các trí thức trẻ đang từng bước đóng góp vào hành trình phát triển đất nước bằng tri thức, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Điều họ cần, không chỉ là cơ hội, mà còn là một hệ thống chính sách đồng bộ để mỗi ý tưởng, mỗi công trình nghiên cứu, mỗi mô hình cộng đồng... có thể phát huy giá trị lâu dài, gắn bó với tương lai của đất nước.
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/de-xuat-xay-dung-chinh-sach-dai-han-thu-hut-nhan-tai-phuc-vu-chien-luoc-quoc-gia-post1762463.tpo