Đề xuất xây sân bay quốc tế ở Ninh Bình: Cân nhắc hết sức thận trọng, coi chừng lãng phí

Đề xuất xây sân bay quốc tế ở Ninh Bình: Cân nhắc hết sức thận trọng, coi chừng lãng phí
9 giờ trướcBài gốc
"Bội thực" sân bay khu vực đồng bằng Bắc bộ
Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng sân bay quốc tế dự kiến tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định cũ-nay là Ninh Bình) hoặc địa điểm do Bộ Xây dựng khảo sát của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Nguồn vốn đầu tư sân bay lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Ninh Bình (mới) và vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Quy hoạch sân bay đến 2030 tầm nhìn 2050 không có sân bay ở Ninh Bình
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất xây dựng sân bay quốc tế tại Ninh Bình.
Theo Phó Thủ tướng, khoản 1 Điều 58 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định: Việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay mới… phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay và quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không có cảng hàng không, sân bay tại tỉnh Ninh Bình.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường; trường hợp cần thiết thì xây dựng đề án quy hoạch cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi đủ điều kiện theo điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại văn bản này, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất.
Cần nhắc lại rằng, năm 2022, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) khi cho ý kiến về đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay ở Ninh Bình đã bày tỏ quan điểm không đồng thuận và chỉ ủng hộ phương án sân bay chuyên dùng.
Thời điểm đó, đơn vị tư vấn độc lập chưa đề xuất quy hoạch sân bay mới do khoảng cách từ Ninh Bình tới các sân bay lân cận tương đối gần (từ TP Ninh Bình đến cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa gần 100 km; đến Nội Bài 120 km).
Cùng đó, đường bộ, đường sắt cũng đã đảm nhận tốt nhu cầu vận tải cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bởi vậy, sự ủng hộ lần này của Bộ Xây dựng không khỏi khiến dư luận bất ngờ. Trong bối cảnh đó, khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa đã có nhiều sân bay với công suất lớn, trong đó lớn nhất là sân bay quốc tế Nội Bài.
Cho ý kiến về đề xuất xây dựng sân bay của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, một chuyên gia lĩnh vực hàng không cho rằng, cần phải nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, bởi việc xây dựng và vận hành một sân bay không đơn giản. Đặc biệt, cần tính đến tính hiệu quả của dự án sau khi hoàn thành xây dựng, lấy kinh nghiệm và bài học nhãn tiền từ những sân bay đang hoạt động kiểu cầm chừng như Vân Đồn, Cần Thơ hay Phú Bài.
Sân bay quốc tế Nội Bài chỉ cách Ninh Bình khoảng 120km
Vị chuyên gia này phân tích, khu vực đồng bằng Bắc bộ hiện có sân bay quốc tế Nội Bài được quy hoạch công suất 85 triệu khách/năm; sân bay quốc tế Gia Bình đang được xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2026 với công suất quy hoạch 30 triệu khách/năm; sân bay quốc tế Cát Bi công suất quy hoạch là 13 triệu hành khách/năm…
"Riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ với 3 sân bay hiện hữu nói trên đã có công suất gần 130 triệu khách/năm, chưa kể một số sân bay kế cận như Thọ Xuân, Thanh Hóa cũng chỉ cách khoảng 100km, nếu xây dựng thêm một sân bay quốc tế Ninh Bình nữa thì có thể gây ra lãng phí và khó có thể khai thác hiệu quả trong 5-10 năm tới", vị chuyên gia này cho hay.
Hiệu quả của sân bay Ninh Bình đến đâu?
Cũng theo vị chuyên gia đầu ngành này, sân bay quốc tế Vân Đồn được vận hành vào tháng 12/2018 đến nay đã 7 năm qua nhưng hoạt động thưa thớt. Tương tự, sân bay quốc tế Cần Thơ được hình thành từ rất lâu và cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Nam bộ nhưng đến nay cũng mới chỉ đạt khoảng 2,2 triệu khách/năm, trong khi được thiết kế 10 triệu khách/năm.
Mạng lưới đường bộ từ Hà Nội và các địa phương lân cận đến Ninh Bình hiện rất thuận tiện, di chuyển nhanh
Đó còn chưa kể, chính quyền TP Cần Thơ phải thường xuyên có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, các hãng hàng không nội địa tăng cường các chuyến bay đi/đến sân bay Cần Thơ để kích cầu du lịch, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Sân bay Phú Bài (Huế) công suất hiện tại có thể lên tới 5 triệu khách/năm nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 2,2-2,5 triệu khách/năm.
"Vậy Ninh Bình có gì để thu hút du khách bay đến? Thông thường, du khách ở xa thường du lịch Ninh Bình theo kiểu thăm Thủ đô Hà Nội rồi đi đường bộ về Ninh Bình. Còn du khách ở một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng… sẽ lựa chọn di chuyển bằng đường bộ vì gần và tiện lợi hơn" - vị chuyên gia phân tích.
Tương tự, đại diện một hãng hàng không trong nước cũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng một sân bay mới cần được cân nhắc hết sức thận trọng, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, hiệu quả khai thác và nhu cầu vận tải thực tế.
Ninh Bình nằm giữa hai sân bay lớn là Nội Bài (Hà Nội) và Thọ Xuân (Thanh Hóa), có khoảng cách địa lý không quá xa và đều đang được đầu tư nâng cấp. Hệ thống đường bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc đã và đang giúp việc kết nối đến hai sân bay này trở nên thuận tiện hơn.
Trong tương lai, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với điểm dừng dự kiến tại Ninh Bình sẽ càng tăng cường khả năng kết nối vùng, rút ngắn thời gian di chuyển mà không cần đến sân bay riêng.
Về thị trường khách quốc tế, thực tế cho thấy, phần lớn du khách đến Ninh Bình theo hành trình liên tuyến, kết hợp Hà Nội – Ninh Bình – Hạ Long hoặc nối tiếp vào miền Trung, chứ không chỉ đến Ninh Bình rồi quay về. Do đó, nhu cầu bay thẳng đến Ninh Bình là không lớn, chưa đủ để hình thành một sân bay có khả năng khai thác bền vững.
Bài học từ một số sân bay địa phương đã đầu tư nhưng lượng khách còn thấp như Vân Đồn hay Cần Thơ cho thấy, nếu không đánh giá đúng nhu cầu thị trường và tính toán kỹ hiệu quả khai thác, việc đầu tư sân bay mới rất dễ dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực trong khi không giải quyết được bài toán phát triển giao thông tổng thể.
"Theo quan điểm của chúng tôi, ở thời điểm hiện tại, chưa nên và chưa cần thiết xây dựng một sân bay tại Ninh Bình. Thay vào đó, nên ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và khai thác hiệu quả các sân bay hiện có", đại diện hãng bay này nêu ý kiến.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được biết đến là chủ đầu tư của các dự án du lịch tâm linh nổi tiếng ở Ninh Bình như khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính, Hồ Núi Cốc, Chùa Tam Chúc, Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp, TP Hải Phòng, Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc TX Chí Linh, Hải Dương cũ…
Mới đây, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.
Ngân Tuyền
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/de-xuat-xay-san-bay-quoc-te-o-ninh-binh-can-nhac-het-suc-than-trong-coi-chung-lang-phi-post617598.antd