Đồng thời đề nghị lùi thời hạn áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường, tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất định về thương mại đang gia tăng hiện nay.
Cần nghiên cứu kỹ cơ sở khoa học về tác động của NGK có đường với sức khỏe
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: N.Duyên
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong đó đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế, theo hướng: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 12828:2019) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, đồng thời, đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.
Cơ quan soạn thảo lập luận rằng, việc gia tăng sử dụng nước giải khát (NGK) có đường khiến cho tình trạng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân béo phì ở Việt Nam gia tăng mạnh trọng vài thập kỷ qua. Do đó, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ góp phần giảm tỷ lệ tiêu thụ NGK có đường, từ đó giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
“Tuy nhiên, đây là nội dung có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều giữa các Bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia và người tiêu dùng”- ông Nguyễn Văn Việt cho hay.
Các thông tin khoa học và thực tiễn đã đúc kết rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với NGK có đường không hiệu quả về mặt sức khỏe, trong khi lại tạo một chính sách thuế mang tính phân biệt, và tác động xấu đến nền kinh tế và sinh kế của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặt khác, lượng đường và calo từ nước giải khát thấp hơn nhiều so với các sản phẩm có đường khác, cụ thể: lượng đường trung bình trong nước giải khát là 11g/100 ml, thấp hơn mức trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo phổ thông (từ 29g/100g, một số loại vượt ngưỡng 40g/100g). Ngoài ra, theo báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN (2021), đường chỉ cung cấp chưa tới 3,6% tổng lượng calo trung bình mà người Việt Nam tiêu thụ.
Đáng chú ý, mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và có chiều hướng giảm đáng kể từ 50,7 lít/người/năm năm 2018 xuống còn khoảng 34 lít/người/năm vào năm 2020. Mức tiêu thụ này chỉ bằng 1/5 mức tiêu thụ trung bình của các nước châu Âu, thấp hơn nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Mỹ. Trong khi đó, nhiều quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam cũng không áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên sản phẩm này.
Đề xuất lùi thời hạn áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường
Tại tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng việc bổ sung mặt hàng NGK có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Khi chưa có đủ các cơ sở khoa học thuyết phục và đánh giá toàn diện thì xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng NGK có đường và đối tượng chịu thuế TTĐB.
TS Dương Đình Giám - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
TS Dương Đình Giám - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam băn khoăn: mục tiêu áp thuế TTĐB là hạn chế tiêu dùng NGK có đường, nhưng có giảm được tình trạng thừa cân béo phì hay không? Nhận định, việc sử dụng NGK có đường là nhu cầu có thật, đặc biệt là khu vực nông thôn, ông Giám cho rằng, nếu chỉ tập trung vào giảm NGK có đường mà không quan tâm đến việc tiếp tục tiêu dùng các sản phẩm có đường khác thì sẽ không đảm bảo mục tiêu giảm thừa cân béo phì.
Ông Giám đề nghị: Việc Chính phủ xem xét áp thuế TTĐB nhằm tăng ngân sách nhà nước, điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân là cần thiết nhưng Chính phủ cần có nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện, có lộ trình phù hợp, tránh tạo cú shock cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và tránh các tác động không tốt tới người tiêu dùng, xã hội.
Ở góc độ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phân tích, Tổng thống Hoa Kỳ vừa công bố chính sách thuế đối ứng, trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế lên đến 46%. Các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn chồng chất nhiều hơn. Hiện các tập đoàn FDI lớn tại Việt Nam đang rất quan ngại.
“Trong bối cảnh này, cần tạo điều kiện cho DN phát triển, vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển. Kiến nghị chưa nên đưa NGK có đường vào thuế TTĐB. Trong trường hợp Quốc hội thấy cần thiết thì cần có lộ trình hợp lý. Cụ thể là áp thuế sau 2 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, và chỉ nên áp thuế 5%”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng giám đốc Đối ngoại truyền thông và Phát triển bền vững, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam- cho rằng, chính sách cần dựa trên sự công bằng theo hai tiêu chí.thứ nhất, chính sách thuế phải dựa trên cơ sở khoa học. Cần lưu ý nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả. Cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn, độ tin cậy cao hơn. Thứ hai, nếu đánh thuế thì cần áp dụng toàn diện, không nên chỉ nhắm vào một sản phẩm mà bỏ qua các sản phẩm có đường khác. Nếu đánh thuế vì sản phẩm chứa đường thì cần đánh thuế cả đường, bánh kẹo, sô-cô-la, trà sữa…, bởi sản phẩm nào cũng có tính hai mặt.
Cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và động lực kinh tế
PGS.TS Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm: Cần cân nhắc lại lộ trình tăng thuế cho cả ngành bia lẫn nước giải khát (nếu Quốc hội thông qua áp dụng). Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ, việc áp thuế TTĐB với các kịch bản cao và áp dụng ngay sẽ tác động mạnh đến ngành đồ uống và đến toàn bộ nền kinh tế.
Việc tăng thuế đột ngột cao có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo mà Nghị quyết 192/2025/QH15 của Quốc hội đã đề cập.
Với kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2024, mức thuế 5% là mức khuyến nghị đối với sản phẩm nước giải khát – nhóm sản phẩm lần đầu tiên bị áp thuế TTĐB. So với phương án thuế suất 10%, măc dù vẫn có tác động tiêu cực đến nền kinh tế trên các khía cạnh, mức thuế 5% có mức độ tác động giảm nhẹ hơn nhiều, giảm tác động đối với doanh nghiệp mà vẫn điều tiết được tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách.
Ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia của VCCI, thành viên Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN kiến nghị chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB
Cũng tại Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia của VCCI, thành viên Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN kiến nghị chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu và đánh giá đầy đủ tác động kinh tế trong bối cảnh rủi ro quốc tế đang gia tăng, mà mới đây nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên đến 56% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, tác động của việc công cuộc tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương, cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng chưa có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả của sắc thuế này đối với việc điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong khi lại là một sắc thuế mang tính phân biệt đối xử.
Việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường không chỉ tác động tiêu cực đến ngành đồ uống mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gián đoạn hoạt động kinh doanh. Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng, cải cách thuế cần xem xét cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo theo Nghị quyết NQ192/2025/QH15.
Chính vì thế, ông Nguyễn Minh Đức đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét lùi thời hạn áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường tới 1/1/2028 với thuế suất khởi đầu là 5%.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Vì vậy, các doanh nghiệp đều kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ cân nhắc áp thuế đối với nước giải khát có đường vào diện chịu thuế trong bối cảnh mới là nước ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo áp thuế lên đến 46% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.
Nguyễn Duyên