Korea Joongang Daily dẫn tài liệu điều tra cho thấy, các lệnh AI do người dùng nhập trong ứng dụng DeepSeek đã gửi đến Beijing Volcano Engine Technology - một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây liên kết với ByteDance. Thông tin chi tiết về 3 công ty còn lại chưa được công bố trong các báo cáo hiện tại.
DeepSeek không cung cấp cho người dùng quyền từ chối việc thu thập và sử dụng dữ liệu. Công ty cũng không giải thích rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu này trong điều khoản hay chính sách quyền riêng tư.
Đồng thời, DeepSeek bị cáo buộc vi phạm Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Hàn Quốc. Chính sách quyền riêng tư của công ty chỉ có bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, cũng như thiếu các yếu tố bắt buộc theo luật địa phương tại Hàn Quốc gồm quy trình hủy dữ liệu cá nhân, biện pháp an toàn và thông tin liên hệ của cán bộ phụ trách dữ liệu.
DeepSeek bị tố chuyển dữ liệu người dùng trái phép. Ảnh: Getty.
Dựa trên kết quả điều tra, PIPC đưa ra yêu cầu khắc phục đối với DeepSeek. Công ty phải xác lập cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, xóa các lệnh AI đã chuyển và công khai chính sách quyền riêng tư bằng tiếng Hàn Quốc.
PIPC cũng đưa ra các khuyến nghị tư vấn bao gồm tuân thủ các biện pháp bảo vệ nâng cao, xóa dữ liệu thu thập từ trẻ vị thành niên, nâng cấp hệ thống bảo mật dữ liệu tổng thể và chỉ định một đại diện địa phương phù hợp.
Nếu DeepSeek đồng ý với khuyến nghị trên trong vòng 10 ngày, thì khuyến nghị sẽ được xem như một yêu cầu pháp lý có hiệu lực theo Luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc. Công ty cũng sẽ phải báo cáo tiến độ thực hiện trong vòng 60 ngày.
“Chúng tôi tin rằng nếu DeepSeek thực hiện nghiêm túc các biện pháp này, hoạt động của họ sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn pháp lý tại Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện thông qua ít nhất hai cuộc kiểm tra tiếp theo,” ông Nam Seok, Trưởng bộ phận điều tra của PIPC nói.
Trước đó, trong quá trình điều tra, ngày 18/4 vừa qua, DeepSeek lên tiếng phản hồi với PIPC rằng việc chuyển dữ liệu đến công ty Volcengine là cần thiết để cải thiện dịch vụ gồm giao diện người dùng (UI), trải nghiệm người dùng (UX) và các biện pháp bảo mật.
DeepSeek đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng vì những lo ngại rằng ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng. Không chỉ Hàn Quốc, cuối tháng 1/2025, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy cũng yêu cầu DeepSeek ngừng hoạt động chatbot tại nước này vì những lo ngại liên quan đến chính sách bảo mật.
Mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Hải quân, Hạ viện Mỹ và bang Texas đã ra lệnh cấm DeepSeek trên thiết bị và kết nối mạng tại văn phòng do chính phủ nước này cấp.
Trong một tuyên bố ngày 6/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này luôn coi trọng vấn đề bảo vệ dữ liệu và tuân thủ luật pháp. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng họ không yêu cầu bất kỳ công ty hay cá nhân nào thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu trái phép.
DeepSeek đã thu hút sự chú ý của giới công nghệ toàn cầu vào ngày 20/1/2025 với mô hình R1. Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) này áp dụng kỹ thuật Inference-time compute (Tính toán thời gian suy luận). Điều này có nghĩa là thay vì truy xuất toàn bộ dữ liệu từ hệ thống khổng lồ, DeepSeek chỉ kích hoạt những phần liên quan nhất để đưa ra câu trả lời cho mỗi truy vấn. Nhờ đó, mô hình này có tốc độ phản hồi nhanh hơn và tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành.
Nhiều chuyên gia và người dùng đánh giá R1 có phản hồi nhanh hơn, chính xác hơn so với các công cụ AI đình đám như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google hay Llama của Meta. Thậm chí, trong một số bài kiểm tra, mô hình DeepSeek R1 được cho là ngang bằng hoặc vượt qua mô hình AI tiên tiến o1 của OpenAI.
Hà Anh