DeepSeek phá hỏng kế hoạch AI của Mỹ

DeepSeek phá hỏng kế hoạch AI của Mỹ
13 phút trướcBài gốc
AI từ lâu đã được xem là chiến trường trọng yếu trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Ảnh: ET.
Trong 2 năm qua, các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo của Mỹ gần như không thể ngăn cản. Những gã khổng lồ như OpenAI đã thu hút hàng tỷ đô la đầu tư nhờ triết lý "càng lớn càng tốt": nhiều dữ liệu hơn, mô hình lớn hơn và sức mạnh tính toán khủng hơn sẽ cho ra đời các sản phẩm tiên tiến như ChatGPT.
Tuy nhiên, startup AI DeepSeek của Trung Quốc đã đến và thay đổi tất cả.
AI là đấu trường mới của cuộc đối đầu Mỹ - Trung
Cuối tuần vừa qua, app AI do DeepSeek phát hành đã đứng đầu các bảng xếp hạng kho ứng dụng toàn cầu sau khi công ty tuyên bố rằng mô hình AI của họ ngang tầm với phiên bản mới nhất của ChatGPT, nhưng được phát triển với chi phí thấp hơn nhiều và sử dụng ít tài nguyên tính toán hơn. DeepSeek thậm chí còn cung cấp mô hình AI của mình dưới dạng mã nguồn mở để bất kỳ ai cũng có thể tải xuống, sử dụng và tùy chỉnh.
Ngay sau khi tin tức được công bố, cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ lao dốc. Ngày 27/1, cổ phiếu của Nvidia đã giảm 17%. Theo Bloomberg, đây là cú giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, với mức thiệt hại gần 600 tỷ USD.
Trong khi một số chính trị gia đảng Cộng hòa và chính quyền Trump kêu gọi siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với Trung Quốc, một số tiếng nói khác trong ngành công nghệ lại cho rằng sự vươn lên của DeepSeek là minh chứng cho lợi ích của việc chia sẻ công nghệ AI thay vì giữ kín chúng, theo Washington Post.
AI từ lâu đã được xem là chiến trường trọng yếu trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Cả hai quốc gia đều coi AI là công nghệ vạn năng mới, tương tự như động cơ hơi nước hay máy tính trước đây. Chúng đều là những công nghệ đã định hình lại xã hội, tạo ra những đế chế kinh doanh mới và thúc đẩy sự thống trị của các tập đoàn.
Lian Wenfeng là người sáng lập DeepSeek. Dự án này từng bị nhiều người nghi ngờ vì nghĩ rằng chỉ những gã khổng lồ công nghệ như ByteDance hoặc Alibaba mới có thể đạt được thành công. Ảnh: TOI.
Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận sự xuất hiện của DeepSeek là một cú sốc. "Sự ra đời của DeepSeek AI từ một công ty Trung Quốc nên là hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngành công nghiệp của chúng ta rằng chúng ta cần tập trung cao độ vào việc cạnh tranh để chiến thắng”, ông phát biểu tại Doral, Florida.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các kế hoạch áp thuế bổ sung đối với Trung Quốc của Trump có thực sự giúp Mỹ dẫn đầu trong cuộc đua AI hay không. Trước đó, Trump đã cắt giảm các quy định và hỗ trợ mạnh mẽ cho các tập đoàn công nghệ lớn bằng cách dành hàng trăm tỷ USD đầu tư, tin rằng những điều này sẽ bảo đảm vị thế dẫn đầu.
Trong nhiệm kỳ thứ 2, Trump đã thể hiện ưu ái với các đại gia công nghệ bằng cách dành ghế hàng đầu trong lễ nhậm chức cho các tỷ phú ở Thung lũng Silicon. Ông cũng đã hủy bỏ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden năm 2023 về an toàn AI vì cho rằng những quy định này là rào cản không cần thiết đối với ngành.
Tuần trước, Trump đã tiếp đón CEO OpenAI Sam Altman cùng các lãnh đạo công nghệ khác tại Nhà Trắng để công bố một dự án tư nhân trị giá 500 tỷ USD tên Stargate với kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu AI tại Mỹ.
Mở cửa hay khép kín?
Tuy nhiên, thành công của DeepSeek lại làm dấy lên lo ngại rằng ngành công nghiệp AI của Trung Quốc có thể sử dụng chiến lược "kẻ theo sau nhanh nhạy" như đã làm ở các lĩnh vực khác như thiết bị viễn thông, pin mặt trời, laptop và pin lithium-ion.
Trung Quốc từng áp đảo các thị trường này bằng cách cung cấp các sản phẩm có chi phí thấp hơn, nhưng chất lượng không hề kém cạnh, dần chiếm lĩnh thị phần lớn và trở thành những người dẫn đầu đổi mới, theo Washington Post.
Wired tiết lộ nhà sáng lập Liang Wenfung của DeepSeek và quỹ đầu tư High-Flyer của ông đã tích lũy lượng lớn GPU trong nhiều năm qua. Những GPU này chính là nền tảng của các mô hình AI hiện đại. DeepSeek cho biết các mô hình của họ sử dụng chip H800 của Nvidia. Loại chip này đã bị hạn chế bán sang Trung Quốc theo chính sách của Mỹ.
Chính quyền Trump đổ lỗi cho các chính sách công nghệ của chính quyền Biden trước đó. Phát ngôn viên Văn phòng Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng Victoria LaCivita cáo buộc rằng Biden đã thất bại trong việc hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Mỹ, tạo cơ hội cho Trung Quốc và các đối thủ nước ngoài phát triển AI.
Trong khi các công ty lớn như OpenAI hay Google giữ bí mật các mô hình AI và tính phí cao để truy cập công nghệ, DeepSeek chọn cách tiếp cận đối lập: công khai mã nguồn. Ảnh: Bloomberg.
Biden trong nhiệm kỳ của mình đã siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với chip AI hiệu suất cao nhằm làm chậm bước tiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, DeepSeek thành công cho thấy sức mạnh của AI không chỉ dựa vào phần cứng tối tân.
Tại Thung lũng Silicon, những người ủng hộ mã nguồn mở tin rằng nước Mỹ có thể tiến lên bằng cách học hỏi từ chiến lược của DeepSeek, phát triển các công nghệ AI với chi phí thấp hơn và dễ tiếp cận hơn.
Hầu hết công ty AI hàng đầu của Mỹ hiện nay giữ kín mô hình của mình và thu phí khách hàng để truy cập công nghệ. Meta là công ty lớn nhất chọn cách tiếp cận ngược lại, công khai các công nghệ AI để người khác có thể xây dựng dựa trên chúng, tương tự cách làm của DeepSeek. Dù vậy, cả Meta và DeepSeek đều không tiết lộ thông tin về dữ liệu dùng để huấn luyện mô hình.
Yann LeCun, nhà khoa học AI trưởng của Meta, đã viết trên Threads rằng bài học rút ra từ thành công của DeepSeek không phải là Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ, mà là các mô hình mã nguồn mở đang vượt qua các mô hình độc quyền. "Vì công việc của họ được công bố công khai và mã nguồn mở, mọi người đều có thể hưởng lợi từ đó”, LeCun nhấn mạnh.
Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter, cũng đồng tình với quan điểm này. "[Hãy] mở mã nguồn mọi thứ”, ông viết.
Trump trong bài phát biểu của mình cũng công nhận rằng những đổi mới của DeepSeek có thể mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ nếu họ biết cách tận dụng. "Thay vì tiêu tốn hàng tỷ USD, bạn sẽ chi ít hơn và hy vọng tìm ra giải pháp tương tự”, ông nói.
Thúy Liên
Nguồn Znews : https://znews.vn/deepseek-pha-hong-ke-hoach-ai-cua-my-post1528118.html