DeepSeek săn nhân tài AI, cạnh tranh khốc liệt với Meta, OpenAI, Nvidia, ByteDance và Alibaba

DeepSeek săn nhân tài AI, cạnh tranh khốc liệt với Meta, OpenAI, Nvidia, ByteDance và Alibaba
5 giờ trướcBài gốc
DeepSeek, công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), đã đăng tuyển dụng hàng loạt vị trí mới trên nền tảng mạng nghề nghiệp LinkedIn trong tuần này. Động thái đó diễn ra vào thời điểm Meta Platforms tiến hành đợt tuyển dụng rầm rộ trong cuộc đua giành nhân tài AI ngày càng khốc liệt.
DeepSeek tuyển dụng 10 vị trí mới, gồm cả hai người thực tập tập trung vào các mô hình ngôn ngữ lớn. Các vị trí khác gồm nhà nghiên cứu học sâu, kỹ sư hệ thống cốt lõi, lập trình viên giao diện người dùng và kỹ sư full-stack, làm việc tại Hàng Châu hoặc Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc). Mô tả công việc đều được viết bằng tiếng Trung.
Học sâu là phương pháp dạy máy tính cách học và suy nghĩ theo cách mô phỏng bộ não con người, đặc biệt là cách các tế bào thần kinh (neuron) trong não kết nối và xử lý thông tin.
Kỹ sư full-stack là người có khả năng phát triển cả phần front-end (giao diện người dùng) và back-end (xử lý dữ liệu, máy chủ, cơ sở dữ liệu) của một ứng dụng hoặc website. Nói cách khác, kỹ sư full-stack là người “làm được tất cả” trong quá trình xây dựng sản phẩm phần mềm, từ giao diện mà người dùng nhìn thấy đến hệ thống phía sau vận hành ứng dụng.
DeepSeek nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của mình nhờ “cụm GPU (bộ xử lý đồ họa) hàng đầu và khả năng thử nghiệm nhanh chóng các ý tưởng tiềm năng”. Ứng viên được tuyển dụng sẽ “hợp tác với các thành viên trong nhóm xuất sắc cả về nghiên cứu và kỹ thuật, tập trung phát triển AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát) cân bằng giữa hiệu quả thực tế và chiều sâu học thuật”, theo nội dung đăng tuyển.
AGI là dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hay vượt trội con người. Không giống AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo. OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".
LinkedIn, hiện thuộc sở hữu của Microsoft, đã gần như rút lui khỏi Trung Quốc đại lục, cho thấy DeepSeek đang khát nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài.
DeepSeek cũng tích cực đăng tin tuyển dụng trên trang web chính thức và nền tảng tuyển dụng Boss Zhipin (Trung Quốc). Tính đến tuần này, có 18 vị trí được liệt kê trên trang web của công ty khởi nghiệp AI này, gồm cả một số vai trò được đánh dấu là “khẩn cấp” trong mảng nghiên cứu AGI và kỹ thuật cốt lõi. Các vị trí khác là luật sư, giám đốc tài chính, giám đốc điều hành và nhân sự.
Trên Boss Zhipin, DeepSeek có hơn 40 tin tuyển dụng, với mức lương cao nhất lên đến 90.000 nhân dân tệ/tháng (12.560 USD/tháng) cùng tiền thưởng hàng năm tương đương 2 tháng lương.
DeepSeek đang khát nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài - Ảnh: SCMP
Dù kỳ vọng dành cho các mô hình AI thế hệ mới của DeepSeek rất lớn, đến nay công ty mới chỉ tung ra bản cập nhật cải tiến V3 và R1.
Vào tháng 5, DeepSeek đã phát hành phiên bản mới của mô hình suy luận R1 mang tên R1-0528, sau bản cập nhật V3 có mã V3-0324.
DeepSeek nhấn mạnh về những cải tiến về khả năng suy luận và viết sáng tạo của R1-0528, giúp mô hình này giỏi hơn trong việc viết các bài văn nghị luận, tiểu thuyết và văn xuôi theo phong cách gần giống các tác giả là con người. Theo công ty này, khả năng lập trình của R1-0528 cũng được nâng cao.
DeepSeek cho biết R1-0528 đã giảm 50% hiện tượng “ảo giác”, tức mô hình AI tạo ra thông tin sai lệch, không dựa trên cơ sở thực tế.
“Phiên bản R1 được cập nhật đã vượt trội các mô hình AI trong nước ở nhiều bài kiểm tra chuẩn, gồm toán học, lập trình và tư duy logic tổng quát, và sánh ngang những mô hình hàng đầu toàn cầu như o3 của OpenAI và Gemini 2.5 Pro của Google”, DeepSeek tuyên bố.
DeepSeek cạnh tranh khốc liệt với Meta, OpenAI, Nvidia, ByteDance và Alibaba
Các công ty AI trên thế giới đều đang chạy đua thu hút nhân tài hàng đầu.
Vài tháng gần đây, Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) đã ưu tiên gặp gỡ những nhân vật hàng đầu trong giới AI, từ các CEO đến giám đốc khoa học. Ông cũng cho thấy sự sẵn sàng đầu tư mạnh vào nhiều công ty AI và đội ngũ nhân sự của họ.
Tháng 6, Meta Platforms đã đầu tư gần 15 tỉ USD để mua 49% cổ phần của công ty khởi nghiệp gán nhãn dữ liệu nổi tiếng Scale AI. Alexandr Wang, nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành ScaleAI, gia nhập Meta Platforms với tư cách Giám đốc AI như một phần của khoản đầu tư.
Alexandr Wang (28 tuổi) cùng Nat Friedman (41 tuổi), cựu giám đốc điều hành Github, sẽ đồng dẫn dắt bộ phận mới mang tên Meta Superintelligence Labs. Đây là nỗ lực tái tổ chức toàn diện các sáng kiến AI của Meta Platforms và xây dựng "siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người", theo trang Insider.
“Khi tốc độ phát triển AI ngày càng tăng nhanh, việc tạo ra siêu trí tuệ đang dần trở nên khả thi. Tôi tin rằng đây sẽ là khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nhân loại và hoàn toàn cam kết làm tất cả những gì cần thiết để Meta dẫn đầu”, Mark Zuckerberg cho biết.
Ngoài ra, Meta Platforms chiêu mộ một số nhà nghiên cứu AI kỳ cựu từ đối thủ OpenAI cho bộ phận Superintelligence Labs. 7 chuyên gia AI mới của công ty mẹ Facebook đến từ Trung Quốc, từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở nước này (Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc), sau đó tiếp tục theo đuổi các chương trình học và sự nghiệp tại Mỹ. Cụ thể gồm Bi Shuchao, Chang Huiwen, Lin Ji, Ren Hongyu, Sun Pei, Yu Jiahui và Zhao Shengjia.
Bi Shuchao đồng sáng tạo chế độ giọng nói của GPT-4o và o4-mini, trước đây dẫn dắt huấn luyện đa phương thức hậu kỳ tại OpenAI. Huấn luyện đa phương thức hậu kỳ là bước tinh chỉnh mô hình AI sau khi đã được huấn luyện ban đầu, với mục tiêu giúp nó hiểu và xử lý đồng thời nhiều dạng dữ liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…
Chang Huiwen đồng sáng tạo khả năng tạo ảnh của GPT-4o, từng sáng tạo kiến trúc MaskGIT (tạo ảnh tiên tiến - PV) và Muse (tạo ảnh từ văn bản - PV) tại Google Research.
Lin Ji tham gia xây dựng mô hình o3/o4-mini, GPT-4o, GPT-4.1, GPT-4.5, o4-imagegen (thành phần phụ trách tạo ra hình ảnh trong kiến trúc mô hình o4 - PV) và nền tảng suy luận Operator.
Ren Hongyu đồng sáng tạo GPT-4o, 4o-mini, o1-mini, o3-mini, o3 và o4-mini, trước đây lãnh đạo nhóm huấn luyện hậu kỳ tại OpenAI.
Sun Pei từng phụ trách huấn luyện hậu kỳ, lập trình và suy luận cho Gemini tại Google DeepMind, trước đó xây dựng hai thế hệ mô hình cảm biến của Waymo (công ty con của Alphabet chuyên phát triển công nghệ xe tự lái - PV).
Yu Jiahui đồng sáng tạo o3, o4-mini, GPT-4.1 và GPT-4o, từng là trưởng nhóm Nhận thức tại OpenAI và đồng lãnh đạo mảng đa phương thức cho dự án Gemini tại Google DeepMind.
Zhao Shengjia đồng sáng tạo ChatGPT, GPT-4, tất cả mô hình mini, GPT-4.1 và o3, từng dẫn đầu mảng dữ liệu tổng hợp tại OpenAI.
Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới) cũng đang ráo riết săn tìm nhân tài. Cuối tháng 6, công ty Mỹ đã bổ nhiệm Zhu Bangguo và Jiao Jiantao, hai nhà khoa học AI Trung Quốc đều là cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa, vào vị trí quan trọng.
Trong lĩnh vực công nghệ nội địa, Zhang Yiming (nhà sáng lập ByteDance) đang theo dõi sát tiến trình phát triển AI tại bộ phận Seed của công ty mẹ TikTok, nơi dự kiến vượt mốc 300 nhân sự trong năm nay.
Seed là bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) cao cấp của ByteDance, chuyên tập trung vào các lĩnh vực AI tiên tiến, đặc biệt là AGI và mô hình ngôn ngữ lớn.
Hồi tháng 2, ByteDance đã thành công trong việc chiêu mộ Wu Yonghui, cựu Google Fellow (một trong những cấp bậc kỹ thuật cao nhất tại Google) với 17 năm kinh nghiệm tại gã khổng lồ công nghệ Mỹ này.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng có bước tiến đáng kể trong cuộc chiến nhân tài khi bổ nhiệm Steven Hoi Chu-hong (chuyên gia AI) làm người dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng mô hình nền tảng đa phương thức.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/deepseek-san-nhan-tai-ai-canh-tranh-khoc-liet-voi-meta-openai-nvidia-bytedance-va-alibaba-234569.html