Hôm vừa rồi, cô con gái bảy tuổi của tôi rụng chiếc răng sữa thứ ba. Cũng như hai lần trước, con viết điều ước lên một tờ giấy, đặt chiếc răng vào đó rồi gói lại để dưới gối và chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, cô tiên răng để lại một bức thư khá dài, hồi đáp món quà con đã ghi trong giấy. Món quà lần này khiến cháu ồ lên thích thú: Một chuyến đi ngắm đom đóm ở Vườn quốc gia Cúc Phương.
Từ thị xã Nghi Sơn, phía Nam tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi di chuyển theo tuyến cao tốc Nghi Sơn - Quốc lộ 45 - Mai Sơn, rồi thoát ra ở nút giao Đồng Giao - Tam Điệp để tới Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình. Xe dừng lại ở cổng rừng mua vé vào tham quan.
Tháng 5, Vườn quốc gia Cúc Phương có một “đặc sản” làm nao lòng du khách đó là những đàn bươm bướm bay rợp trời. Cả cánh rừng yên bình bỗng chốc rực rỡ, như một bức tranh đầy màu sắc được cánh bướm dệt nên. Những chú bướm đậu thành đàn trắng xóa trên mặt đất, bay quanh từng bước chân của du khách. Một du khách nước ngoài nằm rạp xuống mặt đất với chiếc máy ảnh chuyên dụng gắng chụp đàn bướm đông tới hàng trăm con đang rập rờn vây quanh.
Đoạn đường từ cửa kiểm soát tới điểm tham quan cuối cùng là cây chò chỉ cổ thụ khá xa. Cả đi và về khoảng chừng 2 tiếng đồng hồ khi di chuyển bằng ô tô cá nhân. Ở đoạn giữa có điểm tham quan là động Người Xưa giữa lòng rừng nguyên sinh. Theo lời chú kiểm lâm, nơi đây có tour du lịch gọi là “Tắm rừng”, diễn ra vào buổi đêm. Du khách được xe điện chở tới gần động Người Xưa, được hướng dẫn thiền định, điều chỉnh nhịp thở, để giác quan mở rộng và cảm nhận. Trước khi bắt đầu bước vào quá trình thiền định, du khách sẽ được phổ biến quy tắc ba không: không sử dụng điện thoại, không gây ồn ào trong rừng, và không suy nghĩ về áp lực cuộc sống. Mỗi người dần chìm vào tĩnh lặng của rừng già bao quanh, để dần tập trung vào trong thế giới tâm hồn sâu bên trong mỗi người. Lúc ấy, dường như có một sự kết nối diệu kỳ giữa con người và rừng già. Tắm rừng là theo nghĩa đó.
Đúng 7 giờ tối, chúng tôi tập trung đông đủ tại quán nước ở cửa rừng để đợi chuyến đi ngắm đom đóm đêm. Tới giờ hẹn, sáu chiếc xe điện lần lượt chạy ra, xếp thành một hàng dài trước quán. Đồng hồ điểm 7 giờ 15 phút, tất cả các ghế ngồi trên xe đều đã kín chỗ, chỉ chờ hiệu lệnh xuất phát.
Xe điện lăn bánh trong sự háo hức của mọi người. Không tiếng động cơ, không ánh đèn pha, chỉ có ánh đèn gầm màu vàng nhạt hắt xuống mặt đường, đủ để thấy lối đi. Trên tay mỗi người lái xe, đồng thời là hướng dẫn viên, là một chiếc đèn pin nhỏ. Đèn chỉ bật khi xe vào khu vực bán hoang dã, để soi thú rừng. Chúng tôi vừa đi qua cánh rừng chò chỉ, cả đoàn xe bỗng ồ lên thích thú: những chú đom đóm đầu tiên đã lập lòe trong màn đêm, như những vì sao nhỏ hạ xuống tầng lá thấp. Tiếng cười khẽ vang lên đầy phấn khích. Chú lái xe mỉm cười, trấn an: Mới bắt đầu thôi. Càng vào sâu, đom đóm sẽ càng nhiều, tha hồ mà ngắm!
Một bạn trẻ háo hức năn nỉ chú cho dừng xe để chụp ảnh phơi sáng. Nhưng chú cười, lắc đầu: Cuối tuần đông lắm, không thể dừng lâu. Ngày thường vắng khách mới có thời gian chụp hình. Ai đó bật cười trêu đùa: Muốn có ảnh để khoe thì lên mạng lấy, chứ bây giờ thì cất máy ảnh đi, ngắm bằng chính đôi mắt của mình mới là “xịn” nhất. Quả thực, khoảnh khắc ấy, giữa màn đêm sâu thẳm, trên con đường rừng tĩnh lặng, khi cả không gian được thắp sáng bởi ánh đom đóm nhấp nháy như phép màu, chẳng máy ảnh nào có thể ghi lại đủ đầy như tự mình cảm nhận.
Xe điện lặng lẽ di chuyển sâu hơn vào rừng. Quả đúng như lời chú lái xe nói, càng vào trong, đom đóm càng nhiều, lấp lánh khắp các khoảng rừng hai bên đường. Xung quanh những thân cây cổ thụ cao vút là từng đàn đom đóm lập lòe như những sợi ánh sáng mỏng manh đang thêu dệt trong không gian. Mọi người trên xe không giấu nổi sự thích thú, ai cũng chỉ trỏ, trầm trồ. Người này bảo bên trái nhiều hơn, người kia thì khăng khăng bên phải đẹp hơn. Bất chợt có vài con đom đóm bay sà xuống gần xe, ánh sáng từ bụng chúng chớp tắt liên hồi, như thể đang chơi trò trốn tìm. Có lúc, tôi tưởng như chỉ cần với tay ra là có thể chạm được vào một vì sao bé nhỏ giữa rừng đêm. Những chiếc bụng phát sáng ấy, chớp tắt ngắt quãng, dịch chuyển trong bóng tối. Và khi hàng trăm, hàng ngàn con đom đóm cùng lúc bay lên, cả khu rừng như bừng sáng bởi vô vàn ánh sáng li ti huyền hoặc.
Ở đoạn rừng nhiều đom đóm nhất, đoàn xe điện đồng loạt tắt đèn. Trong tích tắc, không gian rơi vào trạng thái siêu thực. Mọi âm thanh đều lắng lại. Chỉ còn rừng đêm, đom đóm và hơi thở khe khẽ của những người đang ngồi cạnh nhau mà không dám nói to. Ánh sáng từ đom đóm lập lòe trên tán lá, lượn lờ quanh các thân cây, bay ngang mặt người rồi mất hút trong bóng tối sâu thẳm. Khoảnh khắc ấy đẹp tới nín thở.
Ấy nhưng tour đêm này còn nhiều điều thú vị đang chờ đợi phía trước. Xe điện tiếp tục lặng lẽ tiến sâu vào khu vực bán hoang dã. Theo ánh đèn pin trong tay chú lái xe, mọi người đã không ngớt tiếng reo khẽ thích thú khi những con hươu, con nai thấp thoáng hiện ra sau những hàng cây rậm rạp. Những người lái xe có kỹ năng lia đèn rất điêu luyện. Chỉ cần ánh sáng chiếu vào mắt thú rồi phản xạ lóe sáng là họ đã xác định vị trí con vật, giữ đèn cố định để du khách quan sát rõ hơn. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến những chú nai, chú hươu lang thang trong bóng tối của rừng già, một trải nghiệm vượt xa sự mong đợi.
Trời bắt đầu lấm tấm những giọt mưa nhỏ, báo hiệu một cơn mưa lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trên đường đi, chúng tôi gặp hai bác kiểm lâm đang tuần tra rừng. Chú lái xe chào hỏi, rồi giải thích cho mọi người rằng đêm nào các bác cũng đều phải đi tuần như vậy, để phát hiện và ngăn chặn những kẻ săn bẫy động vật hoang dã. Những công việc âm thầm mà đầy trách nhiệm ấy khiến tôi nghĩ rằng chỉ tình yêu với rừng, lòng tận tâm với thiên nhiên mới có thể giữ chân họ gắn bó với mảnh rừng này suốt nhiều năm tháng, dưới cả những màn đêm lạnh lẽo và tiếng kêu vang của muôn thú.
Chúng tôi vẫy tay chào các bác kiểm lâm rồi tiếp tục di chuyển đến khu nuôi nhốt các loài thú ăn đêm và thú nhỏ như tê tê, cầy vằn, cầy mực, mèo rừng, cầy vòi mốc… Mỗi cá thể ở đây đều có một cái tên thân thương, một câu chuyện riêng và đặc biệt là những “sứ giả” của khu bảo tồn Cúc Phương. Tất cả đều là những con thú được giải thoát khỏi bẫy săn, quán nhậu, hoặc cứu sau cháy rừng, rồi đưa về điều trị, chăm sóc. Sau khi hồi phục, nếu đủ điều kiện thích nghi, chúng sẽ được thả trở lại môi trường bán hoang dã hoặc tự nhiên. Còn những con thú không thể tự lập, sẽ sống tại đây như những cư dân đặc biệt của khu bảo tồn.
Tôi không thể kìm được xúc động khi nghe câu chuyện của bạn tê tê tên Rolly. Rolly từng bị do dính bẫy, một chân trước đã hoại tử không thể giữ được và buộc phải cắt bỏ. Nhưng trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện Rolly đang mang thai. Một thời gian sau, Rolly hạ sinh bé tê tê con, tên là Chie. Bé Chie khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường bán hoang dã và đã được thả về rừng. Như vậy, Chie phải chia tay mẹ để trở về tự nhiên, một khoảnh khắc vừa đẹp vừa day dứt khiến tôi liên tưởng đến tình mẫu tử thiêng liêng. Nếu Chie là người, thì lựa chọn giữa ở bên mẹ hay trở về với thiên nhiên sẽ là một nỗi giằng xé không dễ giải đáp.
Tê tê là loài thú có vú duy nhất trên thế giới mang lớp vảy cứng bảo vệ toàn thân. Khi gặp nguy hiểm, chúng cuộn tròn lại như quả bóng, khiến cả những thú ăn thịt với răng nanh sắc nhọn cũng phải bó tay. Thế nhưng, trước con người, tê tê lại trở nên dễ tổn thương đến kinh ngạc. Người ta chỉ cần nhấc “quả bóng” đó lên và bỏ vào bì. Điều này khiến tê tê đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Cô hướng dẫn viên còn kể rằng có những con thú được nuôi dưỡng từ khi sinh ra, quen hơi người nên khi thả về tự nhiên không thể thích nghi và thường tìm đường trở về khu nuôi nhốt. Khu bảo tồn đã tạo dựng một môi trường mô phỏng gần nhất với tự nhiên để các bạn thú có cuộc sống tốt nhất trong khả năng có thể. Mỗi con thú ở đây đều là một đại sứ truyền cảm hứng, giúp nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã cho cộng đồng.
Khi tour tham quan kết thúc, trời đổ mưa lớn. Sau một hồi chờ đợi, chiếc xe điện ghé đến đón chúng tôi. Các anh chị nhân viên nhiệt tình che ô cho từng bạn nhỏ và khách tham quan lên xe. Cửa xe được kéo xuống, và xe lặng lẽ rời khỏi rừng, trở về điểm xuất phát. Chúng tôi là chuyến xe duy nhất của đêm hôm đó hoàn thành buổi tham quan, bởi các chuyến sau đều phải hủy do mưa to.
Dưới cơn mưa nặng hạt, người kiểm lâm đứng tuổi cầm chiếc dù lớn, loại ô dù ngoài trời ở hàng quán, che chắn cho vợ con tôi đi tới tận cửa xe. Tôi cảm nhận rõ sự chân thành và tấm lòng ấm áp của bác. Tôi cảm ơn bác, và lòng mình ngập tràn xúc động về tình người nơi đây trong đêm mưa rừng lạnh giá.
Trở lại xe, tôi lái xe về nhà, kết thúc một ngày tham quan vừa thú vị, vừa đầy ý nghĩa. Tôi tin rằng các con tôi cũng sẽ nhớ mãi khoảnh khắc này. Cảm ơn cô tiên răng, cảm ơn Vườn quốc gia Cúc Phương, đã cho chúng tôi được tắm mình trong đêm huyền diệu giữa rừng già.
Lê Ngọc Sơn