Theo tờ Time and Date, đến sáng 15-11 Mặt Trăng đã đạt độ tròn lên tới 99%, chuẩn bị cho màn trình diễn ngoạn mục khi đêm xuống: Siêu trăng thứ tư và cũng là cuối cùng của năm nay.
Người phương Tây hay có cách đặt biệt danh thú vị cho trăng tròn, trong đó trăng tháng 11 thường được gọi là "trăng hải ly" do rơi vào thời điểm loài hải ly xây đập mùa đông. Nó cũng có một số biệt danh ít phổ biến hơn như "trăng băng giá" hay "trăng tuyết".
Trong năm 2024, trước khi trăng hải ly xuất hiện chúng ta đã có dịp chiêm ngưỡng siêu trăng cá tầm (tháng 8), siêu trăng thu hoạch (tháng 9) và siêu trăng thợ săn (tháng 10).
Một siêu trăng theo góc chụp từ Mỹ - Ảnh: TIME AND DATE
Siêu trăng là cách gọi cho những lần trăng tròn đúng lúc vệ tinh này nằm ở khu vực 10% gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình elip của nó, khiến nó to hơn bình thường.
Siêu trăng hải ly tháng 11 sẽ đạt độ tròn tuyệt đối vào lúc 4 giờ 28 phút rạng sáng 16-11 theo giờ Việt Nam, do vậy thời gian quan sát nó tròn nhất sẽ rơi vào đêm 15, rạng sáng 16-11.
Nhưng để xem được siêu trăng trông có vẻ "vĩ đại nhất", bạn nên quan sát lúc trăng còn treo thấp, tức khi hoàng hôn ngày 15-11 vừa buông xuống.
Khi đó, hiện tượng "ảo ảnh Mặt Trăng" do việc nhìn xuyên qua bầu khí quyển dày cũng như góc nhìn sẽ khiến siêu trăng có màu hồng cam tuyệt đẹp và trông có vẻ to hơn nữa.
Lúc đó trăng chưa đạt độ tròn tuyệt đối, nhưng bạn hầu như sẽ không thấy được sự khác biệt.
Nhà thiên văn học Fred Espenak, chuyên gia của Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA, vào thời điểm gần Trái Đất nhất, tính toán rằng ở điểm cận địa rạng sáng 16-11, Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất 361.866 km.
Màn trình diễn ánh sáng đêm 15, rạng sáng 16-11 sẽ còn thú vị hơn với "bảy chị em" xuất hiện rất gần siêu trăng, ở phía dưới và lệch về bên trái.
Bảy đốm sáng đẹp mắt đó chính là cụm sao Thất Nữ (Pleiades, Tua Rua, Sao Rua), là một cụm sao phân tán nằm trong chòm Kim Ngưu.
Cái tên Latin Pleiades lấy từ tên gọi 7 nàng Pleiades, là những người con gái của vị thần khổng lồ Atlas và nữ thần biển Pleione trong thần thoại Hy Lạp.
Anh Thư