Đếm ngày thông xe 'nút thắt' Vạn Ninh-Cam Lộ, kết nối 400km đường bộ cao tốc miền Trung

Đếm ngày thông xe 'nút thắt' Vạn Ninh-Cam Lộ, kết nối 400km đường bộ cao tốc miền Trung
11 giờ trướcBài gốc
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, trong hình là một trong 4 điểm nút liên thông của toàn tuyến cao tốc. (Ảnh: Thanh Phong/Vietnam+)
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, một phần quan trọng của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Dự án có tổng chiều dài 65,54 km, qua 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình cũ (sáp nhập thành tỉnh Quảng Trị mới).
Dự kiến, khi hoàn thành tuyến chính và thông xe kỹ thuật, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thiện kết nối gần 400km đường bộ cao tốc từ tỉnh Quảng Ngãi (mới) đến tỉnh Quảng Trị (mới), đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Miền Trung.
Tình hình thi công và tiến độ thực hiện
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ được chia thành hai gói thầu xây lắp chính. Hiện tại, các nhà thầu đã triển khai 16 mũi thi công tại các hạng mục như: hầm chui, cống, cầu, đường gom, nút giao và các công trình phụ trợ.
Tổng mức đầu tư của dự án là 9.919,78 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Dự án có 4 nút giao liên thông quan trọng, 29 cầu, trong đó có 16 cầu nằm trên tuyến chính.
Một đoạn cầu vượt dân sinh cắt qua cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đang được triển khai thi công. (Ảnh: Thanh Phong/Vietnam+)
Dự án được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 - 90 km/h. Điểm dừng khẩn cấp được bố trí cách quãng 4-5 km/điểm. Đến nay, dự án đã đạt khoảng 97,48% tổng giá trị hợp đồng, tương đương khoảng 5.375 tỷ đồng.
Đến nay, dự án đã được Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) và các nhà thầu huy động gần 1.400 kỹ sư, công nhân cùng hơn 160 đầu thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Võ Khắc Hoàn, Chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần Giao thông Xây dựng số 1, nhà thầu phụ trách gói thầu đoạn Km734+500 đến Km740+880, chia sẻ:
"Với sự vào cuộc quyết liệt của các nhà thầu và đơn vị giám sát, các hạng mục xây lắp cũng như hệ thống biển báo, dải phân cách và phương án đảm bảo an toàn giao thông cao tốc đang được các đơn vị song song triển khai."
Khó khăn và giải pháp
"Đặc thù địa bàn miền Trung thời tiết thất thường, chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch thi công linh hoạt, có thể thi công xuyên đêm khi trời mưa hoặc vào sáng sớm khi trời nắng gắt."
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ không chỉ đối mặt với những thách thức về thi công mà còn gặp phải một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Tổng diện tích cần thu hồi là gần 600ha/1.193 hộ dân. Đến nay, mặc dù mặt bằng đã được bàn giao 100% cho toàn tuyến chính, nhưng tại một số khu vực vẫn gặp vướng mắc, chủ yếu liên quan đến việc đền bù cho các hộ dân và việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn vướng 5/105 vị trí.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình cũ, công tác giải phóng mặt bằng tại các điểm quay đầu xe, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và một số hạng mục phụ trợ khác vẫn chưa hoàn tất.
Hạng mục cầu vượt cuối tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đang được gấp rút hoàn thiện. (Ảnh: Thanh Phong/Vietnam+)
Đặc biệt là tại xã Trường Phú (trước đây thuộc huyện Lệ Thủy), còn khoảng 170m tuyến chính chưa thể thi công do vướng 1 hộ dân. Tình trạng này làm chậm tiến độ thi công mái taluy giai đoạn 1 và hệ thống an toàn giao thông.
Để khắc phục, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục bồi thường và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng đang được phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và các đơn vị thi công, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình thi công.
Thông tuyến 400km cao tốc, phát triển miền Trung
Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ không chỉ tạo ra một tuyến đường bộ cao tốc quan trọng nối liền các tỉnh miền Trung mà còn là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và du lịch khu vực này.
Nút giao kết nối cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ và cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành thảm nhựa, đang triển khai các hạng mục an toàn giao thông. (Ảnh: Thanh Phong/Vietnam+)
Tuyến cao tốc này, với tổng chiều dài 65,54 km, là phần nối tiếp trong dự án cao tốc Bắc - Nam, một phần không thể thiếu của hơn 400 km cao tốc kết nối các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị (mới).
Theo Bộ Xây dựng, cùng với cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dài hơn 11km, dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 8. Hai dự án này hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc khác, tạo thành một hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển và liên kết vùng.
Cao tốc qua khu vực này cũng sẽ giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường hiện tại, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn hơn cho khu vực miền Trung đoạn từ tỉnh Quảng Ngãi đến Quảng Trị.
Đây là một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dem-ngay-thong-xe-nut-that-van-ninh-cam-lo-ket-noi-400km-duong-bo-cao-toc-mien-trung-post1051246.vnp