Thu hoạch mủ cao su ở xã La Dạ, Lâm Đồng. Ảnh: N.Lân
Theo chân người lấy “vàng trắng”
“A lô!... Anh ơi hôm nay khoan lên nhé. Trên này mưa to lắm chắc hôm nay không đi cạo được. Mai trời quang rồi anh hẳn lên...”.
Đó là cuộc hội thoại ngắn Khâm điện cho tôi vì trước đó đã hẹn nhau để đi thực tế xem đồng bào K’Ho cạo mủ. Tôi ở phường Phan Thiết, còn Bờ Đam Khâm làm Mặt trận Thôn 1 La Dạ, muốn đi từ Phan Thiết lên vùng cao La Dạ phải mất hơn 70 km nên phải hẹn mới gặp nhau được. Khâm vốn sinh ra và lớn lên ở La Dạ, từng trải qua cảnh nghèo khó đứt bữa khi vào mùa gieo hạt. Vậy nên, ước mơ thoát nghèo luôn âm ỉ trong lòng anh...
Trở lại câu chuyện hẹn Khâm dẫn đi xem người đồng bào K’Ho cạo mủ, sau khi dùng qua loa bữa cơm tối, gần 9 giờ tối, Khâm bảo: “Giờ anh đi cho biết thôi nhé, vì hầu hết các hộ có cao su ở vùng này đều cạo mủ lúc sáng để tránh mưa. 5 - 8 giờ sáng đi trút mủ, chỉ có một số ít gia đình ngày mai có việc nên sẽ đi cạo lúc 9 giờ tối, 5 - 6 giờ sáng hôm sau đi trút mủ rồi bán cho nơi thu mua để có thời gian đi làm việc khác”.
Bờ Đam Khâm đang thu hoạch mủ cao su.
Chưa tới 2 giờ sáng, tiếng Khâm thúc giục: “Dậy anh ơi, tới giờ lên rẫy rồi... Khác với khung cảnh im lìm ở làng, trên đường đi rộn ràng hẳn, hàng trăm người đang “tay xách nách mang” với những dụng cụ cạo và đựng mủ đèo nhau trên trên những chiếc xe máy nối đuôi nhau vào rẫy trong tiết trời lạnh căm. Những tiếng chào, hỏi thăm vội vã bằng tiếng bản địa của người đồng bào K’Ho thánh thót giữa trời đêm...
Đi chừng 1 km thì đụng rẫy cao su, những ánh đèn pin của người đi cạo mủ rọi sáng cả một góc rừng cao su. Ở trong rừng mà tôi ngỡ đang ở phố thị du lịch nào đó. Canh 2 - 3 giờ sáng là ở đây vào guồng lao động hối hả với nhiều đôi tay thoăn thoắt cạo mủ một cách chuyên nghiệp. Sau lát dao cạo, từng dòng mủ trắng toát chảy ra theo hình vòng cung trên thân cây cao su được người thợ tạo sẵn rồi đọng lại trong chén. Đó là “vàng trắng” đang đem đến nguồn thu nhập cao cho người K’Ho ở La Dạ...
Anh Xim Hoàng Men năm nào cũng thu mủ cao su và các khoản khác cả tỷ đồng.
Đổi đời từ cây cao su
Mới 5 giờ sáng nhưng trên các nẻo đường làng La Dạ nhộn nhịp hẳn. Hàng trăm người từ rẫy cao su chở “vàng trắng” về bán cho tư thương. Khung cảnh mua bán diễn ra sôi nổi với những tiếng cười rôm rả khiến làng quê nhộn nhịp như có hội. Anh Xim Miên - nguyên Chủ tịch UBND xã La Dạ, hiện là Phó Phòng Văn hóa xã hội xã La Dạ (mới sáp nhập với xã Đa Mi, lấy tên là xã La Dạ) vừa đi lấy mủ về bán, ghé vào uống cà phê chung với chúng tôi. Anh cho hay: Mủ năm nay được giá (40 - 41 triệu đồng/tấn, PV) nên bà con có thu nhập tốt. Theo anh Miên, toàn xã La Dạ hiện có 814 ha cao su, trong đó, cao su làm theo Đề án 327 là 540 ha (Đề án 327 nằm trong chương trình thực hiện theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận cũ “về phát triển dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số”). Với người dân thực hiện Đề án 327 được hỗ trợ 50% tiền giống, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cây cao su...
nói chuyện về tình hình trong xã làm cao su thì anh Miên “bẻ lái”: “Cây cao su trụ được trên vùng này đến giờ không dễ chút nào đâu, ví như Khâm phải “bầm trầy” với sự kiên trì và “chung thủy” với cây cao su mới giữ và tăng được diện tích bởi có lúc cao su rớt giá thê thảm, đi cạo cả ha không bằng tiền công đi phụ hồ nên nhiều nơi khác đã cưa hạ bán gỗ, trồng lại cây khác”. Ở La Dạ, không chỉ Khâm mà nhiều hộ khác khi mủ cao su chỉ nằm giá 22 - 23 triệu đồng/tấn, việc lựa chọn giữ lại cây cao su là cả một quá trình “đấu tranh” giữa bỏ cao su trồng cây khác hay giữ lại.
Khâm nhấp ngụm cà phê rồi tiếp lời: “Năm 2000, em trồng 1 ha, năm 2007 thì bắt đầu thu, vào khoảng thời gian này giá mủ cao, có lúc lên 120 triệu đồng/tấn, có nguồn thu, em tích lũy mua thêm đất và trồng thêm, hiện nay doanh thu 1 năm từ 2 ha cao su hơn 400 triệu đồng... Từ năm 2011 - 2014, giá cao su rớt mạnh nhưng em không nản lòng, bà con trong vùng lúc ấy rất “lung lay” nhưng em động viên, rồi thấy em trồng thêm 1 ha nên nhiều người thêm tự tin giữ lại diện tích cao su của mình...”. Nhờ nguồn thu từ cao su và các khoản khác từ công việc xây dựng, Khâm đã cho con đi học và mua xe ô tô để phục vụ gia đình. “Gia đình em thu nhập vậy chưa là gì anh, ở trong xã có người thu nhập còn nhiều hơn em rất nhiều. Đó, như anh Xim Hoàng Men, năm nào anh cũng thu cao su và các khoản khác cả tỷ đồng”. Vừa nói, Khâm vừa chỉ anh Men đang ngồi sát bàn cà phê của chúng tôi. Nghe nhắc tên mình, anh Men cười tươi cho hay: “Thấy tiền tỷ vậy chứ đầu tư máy cày, máy gặt liên hợp, máy xới, máy đào hơn cả tỷ rồi. Mà nói thật, nhờ cây cao su mà bà con K’Ho chúng mình khá lên là có thật”. Khâm chen vào: “Ở Thôn 1 (nơi tập trung trồng cao su nhiều nhất xã) có 331 hộ thì đã có 120 hộ khá nhờ trồng cây cao su, điển hình như hộ Xim Hoàng Dép có 3 ha cao su, Bờ Rông Thảnh có 3 ha cao su, Bờ Đam Rơn có 2 ha cao su... Hàng năm, những hộ này thu cao su từ 400 - 600 triệu đồng…”.
Ngồi nghe liệt kê hàng loạt hộ khá lên từ cây cao su mà tôi “choáng” bởi không ngờ phía sau những ngôi nhà ở vùng cao này lại có nhiều người K’Ho khá giả đến vậy. Ông Trần Trung Hải - Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết: “Ở xã, đồng bào dân tộc thiểu số có các nguồn thu từ bảo vệ rừng, từ làm lúa nước, cây điều... nhưng nguồn thu cao su cao nhất. Ví như hiện tại, mỗi ngày hộ có 3 ha cao su sẽ thu trên 3 triệu đồng. Theo thời gian, góp phần lớn giúp bà con đổi đời là vậy. Những căn nhà tranh vách đất, giờ đây nhiều gia đình đã có thể xây dựng nhà cửa kiên cố hơn, sắm sửa vật dụng thiết yếu và đầu tư cho giáo dục của con cái”.
Rời La Dạ, tôi mang cảm giác lâng lâng trong lòng rất khó tả. Đó là cảm giác vui vì bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã biết đa dạng nguồn thu nhập, giúp nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu mà trợ giúp quyết định là từ cây cao su.
Trần Thi