Đem xơ mướp đi Tây, thu về ngoại tệ

Đem xơ mướp đi Tây, thu về ngoại tệ
3 giờ trướcBài gốc
Chị Võ Thị Ngọc Thư, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng từng công tác tại một trường cao đẳng trên địa bàn thành phố, nhưng vì công việc không phù hợp, chị Thư quyết định xin nghỉ việc. Trong một lần đi siêu thị, thấy những sản phẩm làm từ xơ mướp giá bán rất cao, lại phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng được nhiều người mua.
Trong khi đó, nông dân thường thu hoạch mướp non để ăn hoặc bán với giá bếp bênh, còn những trái mướp già để lấy hạt làm giống, còn xơ mướp đều bị bỏ đi. Ý tưởng xây dựng dự án Xơ mướp thủ công - mộc xơ- sản phẩn thân thiện với môi trường của chị Võ Thị Ngọc Thư được hình thành từ đó.
Chị Võ Thị Ngọc Thư liên kết với nông dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trồng gần 1 ha mướp, 2 vụ mỗi năm để làm nguyên liệu. Đến nay, chị Thư đã mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu mướp tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương của tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận.
Chị Võ Thị Ngọc Thư tái chế thành công xơ mướp thân thiện với môi trường
Để có được xơ mướp đạt tiêu chuẩn, quả mướp cần được thu hoạch sau 3 đến 4 tháng, quả to, thẳng, xơ dày, trắng và không bị mốc. Trung bình mỗi tháng, các vùng sản xuất cung cấp cho cơ sở của chị Ngọc Thư 5.000 quả mướp để gia công. Hiện nay chị Võ Thị Ngọc Thư đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vũ Nguyên.
Chị Thư chia sẻ: “Khi nông dân trồng đến thu hoạch tôi đến tận nơi để thu mua tại chỗ và khoán cho họ phơi, giặt xơ mướp luôn để tạo thêm một nguồn thu nhập mới. Sản phẩm của tôi chủ yếu xuất khẩu nước ngoài. Năm nay, tôi tập trung cho thị trường trong nước. Hiện nay, sản phẩm được bán tại các khu du lịch và chợ Hàn, sân bay Đà Nẵng. Sắp tới tôi muốn liên kết với nông dân nhiều hơn, tạo ra nguồn thu nhập để họ yên tâm sản xuất, giúp thêm nhiều chị em phụ nữ có việc làm. Các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ kết nối trưng bày sản phẩm tại các hội chợ để tiếp cận với nhiều khách hàng và kết nối với nông dân”.
Từ xơ mướp, chị Võ Thị Ngọc Thư tạo ra nhiều sản phẩm bền đẹp, có giá trị kinh tế
Quả mướp già sau khi thu hoạch sẽ được đưa về ngâm nước cho mềm để bớt nhựa và bóc tách lớp vỏ. Tiếp đến, phơi khô xơ mướp để tránh ẩm, mốc, tạo ra các sản phẩm, như: túi đựng xà phòng, miếng rửa chén, dép, túi xách, mũ, lót giày, bông tắm, đèn bàn… Giá bán mỗi sản phẩm dao động từ 35.000 - 500.000 đồng, tùy loại. Tất cả các khâu để làm nên sản phẩm đều được cơ sở của chị Võ Thị Ngọc Thư làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng chất tẩy rửa.
Hiện, sản phẩm xơ mướp Mộc Xơ của chị Võ Thị Ngọc Thư đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Canada, với số lượng 10.000 sản phẩm/tháng. Riêng thị trường trong nước, tiêu thụ gần 2.500 sản phẩm/tháng. Doanh thu mỗi tháng trên 200 triệu đồng.
Chị Võ Thị Ngọc Thư còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, với mức thu nhập ổn định, từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm xơ mướp làm hoàn toàn bằng thủ công
Chị Lê Thị Ngọc Hạnh, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng làm việc tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vũ Nguyên của chị Võ Thị Ngọc Thư cho biết: “Trước đây, tôi làm công ty tư nhân đồng lương không ổn định, hiện nay được chị Võ Thị Ngọc Thư tạo việc làm, thời gian thoải mái, thu nhập ổn định có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”.
2 năm nay, nhiều hộ dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận đã ký hợp đồng bán sản phẩm xơ mướp cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vũ Nguyên. Trung bình mỗi tháng, các vùng sản xuất cung cấp từ 5.000 - 7.000 quả mướp để cơ sở chị Võ Thị NgọcThư gia công ra các sản phẩm.
Bà Trương Thị Hạnh ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, nông dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra, được hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm.
Mướp nguyên liệu thu mua về được bóc vỏ, rửa sạch với nước, sau đó đem phơi khô trước khi đưa vào máy ép, cắt, may
“Trước đây, nông dân tự sản xuất không có bao tiêu về sản phẩm, giá cả bấp bênh, khi được mùa thì mất giá, lúc được giá mất mùa. Từ khi được liên kết và bao tiêu sản phẩm nên nông dân yên tâm sản xuất. Cây mướp lấy xơ hiệu quả mang lại cao hơn đối với cây trồng khác. Bình quân mỗi sào thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng, mỗi năm làm được 2 vụ” - bà Hạnh chia sẻ.
Được biết, sản phẩm xơ mướp có khả năng tái chế tốt, có tuổi thọ cao nên tiết kiệm được chi phí. Khi sử dụng xơ mướp không chỉ giúp giảm bớt đi sự lãng phí tài nguyên nông nghiệp sẵn có trong thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Mới đây, dự án Xơ mướp Mộc xơ của chị Võ Thị Ngọc Thư đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Vườn mướp của nông dân Quảng Nam
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết: "Sản phẩm xơ mướp này là trong những sản phẩm được nhiều người quan tâm vì thân thiện với môi trường và được nhiều khách du lịch quan tâm mua. Các bạn đã kết nối với các Hội Nông dân tạo ra nguồn nguyên liệu tốt nhất để chị em sử dụng, để tạo ra sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Thông qua đó, giúp nhiều chị em có công ăn việc làm ổn định. Hội luôn đồng hành với các chị trong việc vay vốn giúp họ đầu tư phát triển kinh tế khởi nghiệp”.
Tuyết Lê/VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/khoi-nghiep/dem-xo-muop-di-tay-thu-ve-ngoai-te-post1129639.vov