Đến 'cây số cuối cùng', càng nhớ thương đồng đội

Đến 'cây số cuối cùng', càng nhớ thương đồng đội
13 giờ trướcBài gốc
Tâm sự với tôi trong một sáng xuân ở Hà Nội, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nhiều lần lắng lòng, trầm tư, đưa mắt nhìn về phía xa xăm khi nhắc đến Đại đội 4 và những đồng đội của mình. Ông kể: “Trước khi tiến vào dinh Độc Lập, xe tăng số hiệu 380 của chúng tôi bị tổn thất nặng trong trận tăng cường đánh căn cứ Nước Trong vào sáng 28-4-1975. Xe bị trúng đạn, thủng tháp pháo, khẩu 12,7mm bị hất tung đi. Hai đồng đội cùng kíp xe là pháo thủ số 2 Nguyễn Kim Duyệt và Trưởng xe Nguyễn Đình Luông bị thương nặng, chỉ còn tôi-lái xe và pháo thủ số 1 Trương Đức Thọ lành lặn. Chiều hôm ấy, đồng chí Duyệt hy sinh, còn đồng chí Luông vẫn phải tiếp tục điều trị. Vậy là kíp xe của tôi chỉ còn 2 người. Xe bị hư hỏng nhiều khí tài nên khi hành tiến vào dinh Độc Lập được chỉ huy cho xuống thê đội 2, cách phân đội đi đầu vài trăm mét. Trên đường cơ động, tôi bảo đồng chí Thọ: “Mày cứ nạp quả đạn xuyên vào đây, coi như viên đạn sinh tử, gặp xe tăng địch thì mới bắn, còn lại cứ để hết cho tao”, vì khi đó tôi còn 1 khẩu súng máy của lái xe”.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt bên chiếc xe tăng số hiệu 380. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hành trình đến dinh Độc Lập trong sáng 30-4-1975 không hề dễ dàng. Quân địch chống cự ác liệt, một số xe đi đầu bị bắn cháy, bắn hỏng hoặc sa lầy. Chớp thời cơ, các xe tăng của Đại đội 3 và 4, Tiểu đoàn 1 vượt qua cầu Sài Gòn, tiến vào nội đô, đi đầu là xe tăng mang số hiệu 866 của Đại đội 3. Đến cầu Thị Nghè, chỉ còn cách dinh Độc Lập hơn 1 cây số, xe 866 bị đạn M41 của địch bắn trúng tháp pháo, 2 chiến sĩ hy sinh, trưởng xe bị thương nặng. Các xe tăng số hiệu 843, 390 của Đại đội 4 vượt lên, húc đổ cổng dinh Độc Lập. Tiếp sau đó, nhiều xe tăng tiến vào sân dinh Độc Lập, trong đó có xe tăng số hiệu 380 của chiến sĩ trẻ Nguyễn Khắc Nguyệt.
“Đất nước thống nhất rồi! Chúng tôi đứng ngoài sân ôm nhau nhảy tưng tưng trong niềm hạnh phúc, tự hào tột cùng. Ít phút sau, tôi quay lại xe ngồi lặng lẽ và rưng rưng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Các đồng đội đã đổ máu, ngã xuống trước ngày vui toàn thắng. Tôi thoáng nghĩ rằng, cuộc kháng chiến của dân tộc ta thực sự là một cuộc trường chinh mà con đường đến dinh Độc Lập là "cây số cuối cùng". Với tâm trạng đó, tôi lấy sổ ghi vội mấy ý thơ: “Khi chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập/ Ta ngỡ ngàng-đây thật hay mơ?/ Cây số cuối cùng-cuộc trường chinh dằng dặc/ Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng rưng nhòa”, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt bồi hồi nhớ lại.
Trở về sau cuộc chiến, công tác trong Quân đội cho đến khi nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt quyết định dành thời gian còn lại của cuộc đời để viết về đơn vị và những đồng đội của mình. “Tôi luôn tâm niệm, mình được sống trở về là nhờ có sự hy sinh của rất nhiều đồng đội. Vì thế, tôi luôn cảm thấy có một món nợ đeo đẳng. Để trả món nợ ấy, không có cách nào tốt hơn là viết về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của đồng đội tôi, để hậu thế biết và không quên họ”, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt tâm sự.
Cho đến nay, Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã xuất bản 16 đầu sách, trong đó có bộ tiểu thuyết sử thi 4 tập “Bão thép”, "Bút ký lính tăng-Hành trình đến dinh Độc Lập"... Mỗi tác phẩm ông xem như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng những đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải giữa đời thường.
DUY THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/den-cay-so-cuoi-cung-cang-nho-thuong-dong-doi-826013