Đến Chiêm Hóa, nhớ về một bài thơ của Mai Liễu

Đến Chiêm Hóa, nhớ về một bài thơ của Mai Liễu
6 giờ trướcBài gốc
Tác giả trên đường về Chiêm Hóa (di tích chiến thắng Cầu Cả, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang)
Một ngày đầu năm, ngang qua Tuyên Quang, chúng tôi có dịp về Chiêm Hóa để thăm thú vùng đất của những chiến thắng vang dội ở Cầu Cả và nơi Bộ Quốc gia Giáo dục từng trú chân trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở xã Yên Nguyên.
Ngang dọc giữa trời mây sông núi “ngút ngát một màu” của Chiêm Hóa trong những ngày xuân “mưa tơ rét lộc”, trong lòng tôi không khỏi nhớ đến bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” của nhà thơ họ Ma, người dân tộc Tày ở Tuyên Quang, từng được biết đến với bút danh là Mai Liễu (1950 - 2020) vừa mới được tuyển chọn đưa vào học trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, bộ Cánh diều. Bài thơ ấy như sau:
NẾU MAI EM VỀ CHIÊM HÓA
(Mai Liễu)
Nếu mai em về Chiêm Hóa
Cho ta gửi nỗi nhớ cùng
Tháng giêng mưa tơ rét lộc
Em về vừa kịp mùa măng
Sông Gâm đôi bờ trắng cát
Đá ngồi dưới bến trông nhau
Non Thần hình như trẻ lại
Xanh lên ngút ngát một màu
Phố đông cứ mải tìm nhau
Cô gái Dao nào cũng đẹp
Vòng bạc rung rinh cổ tay
Ngù hoa mơn mởn ngực đầy
Con gái bản Tày duyên quá
Sắc chàm như cũng pha hương
Chỉ riêng nụ cười môi mọng
Mùa xuân e cũng lạc đường
Nếu mai em về Chiêm Hóa
Đầu xuân đi hội “lùng tùng”
Quả còn chạm vai thì nhặt
Ngày lành duyên tốt mừng nhau.
(Rút từ tập “Mây vẫn bay về núi”, Nhà xuất bản Văn hóa - Dân tộc, 1995)
Phải nói rằng, thoạt nhìn, bài thơ của tác giả Mai Liễu khá “phổ thông” và có vẻ rất “miền xuôi” với thể thơ sáu chữ hoàn chỉnh. Ngẫm kỹ, cái ta vừa thoạt nhìn kia chỉ là lớp vỏ của hình thức ban đầu được hiển lộ ở bề ngoài của bài thơ mà thôi. Còn trong mọi ngóc ngách tầng bậc bề sâu của nội dung, từ chất liệu đến ý nghĩa thông điệp của bài thơ, tác giả không hề “thành thị” hay “miền xuôi” một chút nào, vẫn cứ âm ỉ, đậm đà cái bản sắc núi rừng của người Tày xứ Tuyên. Chẳng tin mọi người cứ ngẫm nghĩ, tìm hiểu bài thơ thì sẽ rõ.
Đọc bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” chúng ta dễ dàng nhận ra cảm xúc chủ đạo của tác giả được thể hiện trong đó không có gì khác là tình yêu tha thiết về miền đất và người Chiêm Hóa. Tình yêu ấy được Mai Liễu thể hiện bằng một cấu tứ khá bình dị. Hai khổ thơ đầu là cảm xúc về thiên nhiên của Chiêm Hóa. Hai khổ thơ giữa là cảm xúc về con người ở Chiêm Hóa. Khổ thơ kết thúc là cảm xúc về lễ hội với khát vọng về lứa đôi trong những ngày xuân ở Chiêm Hóa. Nhìn vào mạch cảm xúc như thế ta cũng phần nào nhận ra được sự mộc mạc của một hồn thơ.
Tác giả không tỏ ra một chút cầu kỳ, thi vị mà dẫn dắt người đọc đi từ cảm xúc về cảnh sắc thiên nhiên đến những rung cảm về con người và văn hóa của một vùng núi rừng nên thơ ở quê hương Tuyên Quang của mình. Chính cái cách kết cấu bình dị như vậy mà đến với bài thơ người ta thấy nó rất tự nhiên. Nó không giống như một trò chơi con chữ để cố ý kể lể, khoe khoang về quê hương một cách nồng nhiệt đến mức lộ liễu.
Ngược lại ở bài thơ này người ta thấy từng ý thơ, lời thơ cứ như đang khe khẽ hiện lên một cách dịu dàng qua cái nhịp điệu vừa kể, vừa tả có vẻ nhẩn nha, chậm rãi của tác giả.
Cứ như thế, không chỉ đất và người Chiêm Hóa hiện lên dần dần một cách rất thi vị trong mắt người đọc mà bức chân dung của chủ nhân bài thơ cũng từ từ hiện ra tưởng như không đáng chú ý mà hóa ra lại rất ấn tượng.
Bài thơ được mở đầu bằng một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp của vùng đất sông Gâm non Thần giữa khung cảnh của đất trời đang “mưa tơ rét lộc” trong một “mùa măng” mới đầy hứa hẹn:
“Nếu mai em về Chiêm Hóa
Cho ta gửi nỗi nhớ cùng
Tháng giêng mưa tơ rét lộc
Em về vừa kịp mùa măng
Sông Gâm đôi bờ trắng cát
Đá ngồi dưới bến trông nhau
Non Thần hình như trẻ lại
Xanh lên ngút ngát một màu”
Có thể thấy, nhà thơ không kể lể nhiều.
Ở khổ thơ thứ nhất, Mai Liễu chỉ lựa chọn hai hình ảnh của tiết trời và cảnh vật tự nhiên của Chiêm Hóa để gợi lên trong lòng người đọc về một bức tranh mùa xuân tràn trề nhựa chín và cuộc sống chất phác, giản dị của con người ở nơi đây. Đó là hình ảnh của tháng giêng với tiết trời se lạnh, mưa bụi lây rây cùng muôn ngàn chồi non lộc biếc đang trỗi dậy trên những cành cây trải khắp các núi đồi trập trùng, bao la. Đặc biệt là hình ảnh “mùa măng”. Nhắc đến mùa măng là người ta nghĩ đến miền núi, nhất là ở Tuyên Quang.
Ai đã từng ở Chiêm Hóa thì sẽ chẳng thể nào quên được mùa măng sặt vào độ cuối giêng. Mùa măng sặt thường kéo dài từ tháng giêng cho đến tháng ba. Cứ đến mùa măng đồng bào lại cùng nhau đeo “thông” (túi vải của người Tày) mang dao cán dài, cuốc, thuổng lên rừng tìm đào măng sặt. Măng đầu mùa thường ít nhưng ngon và ngọt hơn măng cuối mùa. Thông thường để lấy được những củ măng non đồng bào thường dùng cuốc, thuổng hoặc dao đào sâu vào lòng đất, lần theo rễ măng để tìm củ.
Cứ như thế mà người ta tìm được những búp măng non, chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Thường vào đầu mùa xuân, mưa phùn ẩm ướt, măng sặt nhú mầm, phát triển rất nhanh. Ban đầu măng mọc trong lòng đất, về sau măng chồi lên và vươn lên cao hơn, nhất là khi cuối vụ. Nhưng măng lên càng cao thì ăn càng đắng. Như thế đấy. Chỉ một hình ảnh “mùa măng” mà ý nghĩa của nó thật là khơi gợi. Nó là không gian (núi rừng) nhưng cũng là thời gian (mùa Xuân). Nó là sản vật bình dị của Chiêm Hóa nhưng cũng gợi lên cái nếp sinh hoạt và cuộc sống thường nhật của đồng bào nơi đây.
Không những thế, mùa măng là mùa sinh sôi nảy nở của tự nhiên. Mùa sinh sôi ấy cũng báo hiệu một mùa vụ bội thu và như thế câu thơ cũng gợi lên một mùa ấm no của con người. Cho nên ở ý nghĩa biểu tượng, hình ảnh “mùa măng” còn thể hiện sự giàu có của quê hương, sự ưu ái của thiên nhiên đã ban tặng một sản vật quý giá cho con người. Trong khổ thơ thứ hai nhà thơ cũng chỉ chọn hai hình ảnh là sông Gâm và núi Bách Thần để khắc họa vẻ đẹp thi vị của cảnh sắc non nước ở Chiêm Hóa qua một địa danh rất cụ thể: Thị trấn Vĩnh Lộc, huyện lỵ Chiêm Hóa.
Đáng chú ý trong cách gợi tả cảnh vật là nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ (“Sông Gâm đôi bờ trắng cát”, “Xanh lên ngút ngát một màu”) và nghệ thuật nhân hóa (“Đá ngồi dưới bến trông nhau”; “Non Thần hình như trẻ lại”) để khắc họa một cách ấn tượng về đặc điểm của cảnh sắc. Từ “trắng” được đảo lên trước từ “cát” vừa nhấn mạnh sắc màu vừa gợi lên hình ảnh đôi bờ sông Gâm rất đẹp.
Không dừng lại ở vẻ đẹp với “đôi bờ trắng cát”, sông Gâm còn hiện lên rất sống động bởi những bờ đá bên mép nước hiện lên như những con người đang ngồi nhìn nhau say đắm.
Sông như thế và núi cũng không kém phần: “Trẻ lại”. Để ý kỹ ta sẽ thấy nhà thơ đã đặt tình thái từ “hình như” trước nghệ thuật nhân hóa để thể hiện cái tâm trạng, cảm xúc ngỡ ngàng của mình trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng của cảnh vật: “Xanh lên ngút ngát một màu”. “Xanh lên” được đặt ở đầu câu đã nhấn mạnh sắc màu của núi rừng và “ngút ngát” là một từ láy gợi lên một màu xanh bất tận, trong trường hợp này nó tạo cảm giác màu xanh của cây lá trên núi Bách Thần như dâng cao lên đến tận trời xanh.
Điều đáng chú ý là cách thể hiện bức tranh thiên nhiên của nhà thơ. Mai Liễu không trực tiếp ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên ở Chiêm Hóa mà thể hiện bức tranh đó bằng cách thông qua việc nhờ “em” mang nỗi nhớ về hộ nơi ấy: “Nếu mai em về Chiêm Hóa/ Cho ta gửi nỗi nhớ cùng”. “Nỗi nhớ” đâu có phải là vật chất để có thể nhờ người khác mang đi được. Tác giả hẳn là không phải không biết. Tác giả biết đấy nhưng vẫn cứ nói vậy. Bởi vì chỉ có cách ấy mới nói được hết lòng mình. Nỗi lòng của một kẻ tha hương luôn mong ngóng, nhớ về cội nguồn xứ sở. Đặc biệt cách xưng hô của tác giả trong bài thơ cũng rất thú vị: Nhà thơ gọi nhân vật nhờ gửi trong bài thơ là “em” và xưng “ta”. Cách xưng hô ấy vừa gợi lên sự thân mật vừa thể hiện được sự giản dị, chân thành của hai người đang đối thoại.
Hội Lồng tông ở Chiêm Hóa
Theo dòng cảm xúc, sau khi khơi gợi về vẻ đẹp thiên nhiên, nhà thơ hồi ức cảm xúc về con người:
“Phố đông cứ mải tìm nhau
Cô gái Dao nào cũng đẹp
Vòng bạc rung rinh cổ tay
Ngù hoa mơn mởn ngực đầy
Con gái bản Tày duyên quá
Sắc chàm như cũng pha hương
Chỉ riêng nụ cười môi mọng
Mùa xuân e cũng lạc đường”
Bức tranh con người ở Chiêm Hóa được nhà thơ tái hiện trên “phố đông” mang đậm sắc màu bản địa. Phố núi Chiêm Hóa (thị trấn Vĩnh Lộc) ấy hiện lên trong câu thơ không còn là nơi đèo heo hút gió mà là một chốn phồn hoa đô hội của những sắc tộc người Dao, người Tày. Mai Liễu đã tái hiện vẻ đẹp của con người Chiêm Hóa trên nét đẹp của trang phục và ngoại hình của các cô gái.
Cô gái người Dao: “Vòng bạc rung rinh cổ tay/ Ngù hoa mơn mởn ngực đầy”, cô gái người Tày: “Duyên quá”, “Sắc chàm như cũng pha hương”…
Bức tranh của Mai Liễu gợi cho người ta thấy con người ở Chiêm Hóa mỗi một tộc người mang một nét đẹp riêng. Nét vẽ của nhà thơ ở đây hiện lên thật tài hoa. Từ láy “rung rinh” và “mơn mởn” vừa miêu tả cho người ta thấy được những đồ trang phục, trang sức truyền thống vừa cho thấy sự xinh đẹp, tươi trẻ tràn đầy nhựa sống của cô gái người Dao. Tình thái từ “như cũng” gợi lên vẻ đẹp hương sắc của cô gái người Tày, sắc áo chàm như đang hòa tan, quấn quyện vào hương thơm của cây rừng phố núi.
Để ý kỹ ta sẽ thấy nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của nhà thơ rất tinh tế. Với cô gái người Dao, để làm nổi bật nét trẻ trung, tươi tắn nhà thơ tập trung vào tái hiện sắc màu, chuyển động của các đồ trang sức: “vòng bạc”, “ngù hoa” (dây kết bằng len đỏ, đính ở hai bên ngực áo của người phụ nữ Dao). Với cô gái người Tày, để gợi nên nét “duyên quá”, nhà thơ không chỉ miêu tả sự gợi cảm của trang phục quyện hương thơm của đất trời mà sử dụng nghệ thuật hoán dụ “nụ cười môi mọng” và nghệ thuật nhân hóa “Mùa xuân e cũng lạc đường” để ngợi ca vẻ đẹp.
Hình ảnh “nụ cười môi mọng” gợi lên vẻ đẹp xinh tươi, duyên dáng. Vẻ đẹp ấy được sắp xếp đứng sau cụm từ “chỉ riêng” và nghệ thuật nhân hóa đi liền sau đó đã cho ta thấy sức hút mê hồn của những cô gái bản Tày xinh đẹp, duyên dáng. Mùa Xuân lạc đường hay nhà thơ (các chàng trai) lạc đường? Quả thực cách nói của nhà thơ thầy ý nhị và tinh tế. Câu thơ cứ tưởng là lời nói vu vơ nhưng hóa ra lại chất chứa những duyên tình sâu nặng. Đấy chính là nét tài hoa và chất thơ bay bổng được ẩn chứa một cách tiềm tàng trong tâm hồn thi sĩ.
Cuối cùng, bài thơ được khép lại bằng một điệp ngữ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” vừa tạo thành một kết cấu đầu cuối tương ứng để hoàn chỉnh bài thơ, vừa khắc sâu, nhấn mạnh nỗi khắc khoải nhớ thương như một điệp khúc vang vọng:
“Nếu mai em về Chiêm Hóa
Đầu xuân đi hội “lùng tùng”
Quả còn chạm vai thì nhặt
Ngày lành duyên tốt mừng nhau”.
Đó là nỗi nhớ lễ hội “lùng tùng” (lồng tông, lồng tồng) trong những ngày đầu Xuân. Theo phong tục, hàng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng, tại thị trấn Vĩnh Lộc, đồng bào Tày ở Chiêm Hóa tổ chức lễ hội xuống đồng để cầu mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, mùa màng bội thu... Trong lễ hội này, ngoài phần lễ với nghi thức rước chín mâm Tồng (các mâm đều để lễ vật là những sản vật ngon lành của địa phương để tạ ơn trời đất và các vị thần) từ đền Bách Thần giữa lưng chừng núi về sân vận động ở trung tâm phố huyện, đánh trống khai hội và xuống đồng cày ruộng … còn có phần hội với các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn và các hoạt động văn nghệ, thi làm bánh giầy ngũ sắc …
Lễ hội “lùng tùng” là một lễ hội tâm linh thể hiện sâu sắc tín ngưỡng của đồng bào Tày ở Chiêm Hóa. Mai Liễu nhắc đến lễ hội “lùng tùng” là gợi lên trong lòng người đọc, nhất là người ở Chiêm Hóa nhớ về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương. Và, nhớ về lễ hội lùng tùng, nhà thơ không thể không nhắc đến trò chơi ném còn. Ném còn là một trò chơi nhưng cũng là một nghi lễ.
Theo quan niệm của đồng bào, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất, hồn nước. Bởi vậy quả còn được làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh, màu trắng... Bên trong quả còn người ta còn cho các loại hạt như thóc, vừng, cải, bông... Theo quan niệm, những hạt này luôn mang theo khát vọng nảy nở, sinh sôi. Hạt thóc, cải, vừng cung cấp lương thực thực phẩm nuôi sống con người; hạt bông cho sợi, cho vải. Quả còn thường có từ bốn đến mười hai múi với nhiều màu sắc khác nhau.
Ngoài ra, quả còn được đồng bào may thêm các tua vải với nhiều màu sắc để trang trí và giúp định hướng khi bay. Các tua rua ấy cũng là hình ảnh tượng trưng cho những tia nắng, hạt mưa để cầu mưa thuận gió hòa mong mùa màng bội thu. Ngoài quả còn còn có cây còn. Cây còn được làm từ thân cây tre, cây mai và có chiều cao khoảng chục mét. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người chơi có thể tung còn vào vòng tròn đó.
Đồng bào quan niệm, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Khi ném còn, người chơi đứng đối mặt với nhau (thường một bên nam và một bên nữ) qua cây còn. Người tung quả còn bay cao như thể mang đi cái rủi ro, không may mắn. Sau khi bay lên trời quả còn rơi xuống, người đón còn khi đó như đón lấy cái may mắn, tốt lành của trời đất ban cho.
Chính vì thế khi ném còn, người ném cố tung cao để vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời để có thể xua đi mọi điều bất hạnh và người nhận còn phải đón thật khéo để còn không bị rơi xuống đất. Người tung, người bắt cứ thế ném qua ném lại, ai cũng được tung và ai cũng được bắt, quả còn bay trên trời cao nhìn như con rồng đang uốn lượn. Trò chơi ném còn như thế mà mang thêm cái ý nghĩa phồn thực, cầu mùa. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm, dương giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Trò chơi tung còn như thế mà thu hút được rất nhiều nam nữ thanh niên. Và từ hội chơi ấy đã có không ít người nên duyên.
Khổ thơ cuối của bài thơ tái hiện thành công cái không khí của lễ hội “lùng tùng”. Chẳng những thế câu thơ cuối cùng còn gợi lên trong lòng người ta hướng tới và nghĩ về những khát vọng của tình yêu lứa đôi. Khát vọng ấy là văn hóa, là tập tục của đồng bào Chiêm Hóa mà người đi xa luôn nhớ về trong mỗi nỗi khắc khoải, đợi chờ, mong một ngày được trở về với ngày hội đầu xuân.
Bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” được làm khi nhà thơ sống xa quê hương xứ Tuyên. Bởi thế hình ảnh của đất và người Chiêm Hóa cùng những phong tục của người đồng bào cứ ăm ắp trong ông. Chẳng những thế nó ngưng kết lại thành niềm thương nỗi nhớ và khát khao được trở về với không gian của cội nguồn. Từ không gian hiện tại (Hà Nội, nơi ông đang sinh sống), ông không khỏi hoài niệm về không gian ký ức và thời gian quá khứ (Chiêm Hóa thủa ngày xưa).
Trong cái không gian ấy những “Mùa măng”, “Chín bậc cầu thang”, “Con gái bản tôi”, “Nỗi nhớ nhà sàn”, “Giấc mơ của núi”, “Tết quê nhà”, “Mùa bông”, “Gọi vía”, “Tung còn” (tên những bài thơ của Mai Liễu)… hiện ra đẹp như một thế giới cổ tích. Trở lại với bài thơ, ta thấy cái nỗi niềm nhớ thương cứ da diết, vấn vương. Nó chẳng những là ước muốn được trở về mà còn muốn gửi về nơi ấy cả cái “nỗi nhớ cùng” khi người thơ chưa thể trở về.
Chỉ thế thôi ta thấy xứ Tuyên trong trái tim ông hiện lên thật trong trẻo, tươi đẹp; tình quê trong tâm hồn ông thật da diết, yêu thương. Bởi thế, đọc bài thơ người xa quê không khỏi rưng rưng thương nhớ quê nhà; không khỏi hoài niệm về nơi nguồn cội. Tâm trạng ấy như có lần ông đã từng nói: “Thơ tôi chủ yếu là niềm tự hào và những kỉ niệm về quê hương.
Càng đi xa, đi lâu thì kỉ niệm càng sâu, càng bền. Mỗi con suối, dòng sông, ngọn núi, đồi cây, bếp lửa, mái nhà sàn, ngày hội, điệu hát, chim muông... đều có hồn, có tiếng nói riêng của chúng. Tôi cố gắng lắng nghe, ngẫm ngợi và ghi lại chúng. Thực ra, đó cũng là ân tình của người viết đối với miền quê và cuộc đời”. Đấy là suy nghĩ về quê hương nhưng cũng là quan niệm về nghệ thuật. Nghệ thuật ấy là tình yêu chân thành, sâu lặng với nơi cội nguồn sinh thành. Ông đúng là một cây kháo, cây mai trong rừng “đứng trong mưa trong bão/ nơi đỉnh núi bờ khe/ chắc bền nhờ cội rễ” (Chợt nghĩ qua đèo).
Đào Thị Thu Hiền
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/den-huyen-chiem-hoa-tinh-tuyen-quang-nho-ve-mot-bai-tho-cua-mai-lieu-a27830.html