Đến cuối tháng 2, không khí lạnh gia tăng cường độ, rét đậm rét hại dài ngày

Đến cuối tháng 2, không khí lạnh gia tăng cường độ, rét đậm rét hại dài ngày
6 giờ trướcBài gốc
Không khí lạnh đến sớm, nhiệt giảm mạnh
Bà Trần Thị Chúc, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 21/12/2024 đến ngày 21/01/2025, trên Biển Đông đã xuất hiện 1 cơn bão. Sáng ngày 21/12/2024, một vùng áp thấp trên vùng biển phía Nam của khu vực Nam Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Đến chiều ngày 23/12/2024, ATNĐ trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 năm 2024, có tên quốc tế là PABUK. Ngày 25/12/2024, bão số 10 suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Rét đậm rét hại gia tăng trong thời gian tới.
Thời kỳ này đã xuất hiện 3 đợt không khí lạnh (KKL), trong đó, đáng lưu ý đợt KKL ngày 09/1/2025 đã gây trời rét đậm, rét hại diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong ngày 12-13/1/2025; nhiệt độ thấp nhất trong đợt KKL này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến dưới 10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5,0 độ C như: Bắc Hà (Lào Cai) 1,4 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 0,8 độ C, Đình Lập (Lạng Sơn) 0,3 độ C và Trùng Khánh (Cao Bằng) 0,9 độ C.
Ngoài ra, đợt KKL ngày 14/1 đã gây trời rét đậm, rét hại tại khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ trong ngày 17-18/01; nhiệt độ thấp nhất tại các khu vực này phổ biến từ 7-10 độ C, vùng núi có nơi dưới 5,0 độ C như tại Đình Lập (Lạng Sơn) 3,5 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 3,8 độ C, Sìn Hồ (Lai Châu) 4,2 độ C…
Thời kỳ này có 1 đợt mưa lớn diện rộng xảy ra vào các ngày 23-28/12 (tập trung tại các tỉnh Quảng Trị-Bình Định); những ngày đầu tháng 1/2025 xảy ra 2 đợt mưa diện rộng vào ngày 9-11/1 tại Hà Tĩnh đến Bình Định và từ ngày 15-17/1 tại Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, cục bộ có mưa vừa; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có 02 đợt mưa diện rộng vào ngày 27-28/12 và 14-15/01, trong đó có nơi mưa vừa, mưa to. Trên cả nước đã quan trắc được một số trạm khí tượng xảy ra giá trị lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử (GTLS) so với cùng thời kỳ.
Thời kỳ từ ngày 21/12/2024-20/01/2025, nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,0 độ C, đặc biệt khu vực Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 1,0-1,5 độ C; riêng một số nơi tại Đồng bằng Bắc Bộ và miền Tây Nam Bộ cao hơn từ 0,5- 1,0 độ C, có nơi trên 1,0 độ C.
Không khí lạnh gia tăng cường độ thời gian tới
Bà Trần Thị Chúc cho biết, từ nay đến 20/2, nhiệt độ trung bình khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C; các khu vực còn lại phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ, riêng Nam Bộ có nơi cao hơn 0,5-1,0 độ C.
Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-20mm so với TBNN; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Trong thời kỳ từ ngày 21/1-20/2/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với TBNN cùng thời kỳ, gây nhiều ngày rét đậm, rét hại.
Trong thời kỳ dự báo, khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông. Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế-xã hội: KKL có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền.
Trên đất liền, KKL có thể gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc, nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/den-cuoi-thang-2-khong-khi-lanh-gia-tang-cuong-do-ret-dam-ret-hai-dai-ngay-169250121113527935.htm