Đến để chiến đấu, nhưng ra đi trong cô đơn

Đến để chiến đấu, nhưng ra đi trong cô đơn
5 giờ trướcBài gốc
Bước chân ngoại binh trên đất Việt: Hòa nhập, ảnh hưởng và góc khuất (Bài 2): Một Việt Nam trong lòng ngoại binhBước chân ngoại binh trên đất Việt: Hòa nhập, ảnh hưởng và góc khuất (Bài 1): 25 năm thăng trầm và dấu ấn ngoại binh tại V.League
Nhiều cầu thủ ngoại bị các CLB xem như “hợp đồng thuê ngắn hạn”
Nơi rào cản ngôn ngữ, cú sốc văn hóa và cảm giác bị “bỏ rơi” vẫn âm thầm bóp nghẹt khả năng hòa nhập và cống hiến của họ, biến nhiều tài năng thành những kẻ lạc lõng giữa lòng bóng đá Việt Nam.
Bị gạch tên vì mất kết nối
“Tôi không biết phải ăn gì, nói gì, hay tập luyện ra sao. Mọi thứ đều xa lạ. Có lúc tôi nghĩ đến việc bỏ về”, một ngoại binh từng có nhiều năm thi đấu tại V.League thổ lộ. Anh đến Việt Nam với giấc mơ ghi dấu ấn, nhưng sau vài tháng, tất cả những gì còn lại là nỗi cô đơn và một chiếc vali luôn trong trạng thái sẵn sàng ra đi.
Hãy hình dung: Giữa một trận đấu căng thẳng, đồng đội hét vang, HLV gào thét ngoài đường biên, chiến thuật thay đổi liên tục - nhưng bạn không hiểu một lời nào. Tất cả những gì bạn có thể làm chỉ là chạy theo trái bóng và phản ứng theo bản năng.
Đó là cảm giác thực sự của nhiều cầu thủ ngoại khi lần đầu đặt chân tới V.League. Không hiểu tiếng Việt, CLB cũng không hỗ trợ phiên dịch, khiến nhiều cầu thủ ngoại dù được đánh giá có chuyên môn cao vẫn gần như bị “gạch tên” khỏi kế hoạch của ban huấn luyện. Họ hiểu sai chiến thuật, mất kết nối trên sân và có thể bị cô lập trong phòng thay đồ chỉ vì rào cản ngôn ngữ.
Giữa những câu chuyện buồn, vẫn có những điểm sáng, những cầu thủ ngoại thực sự được CLB đón nhận và hỗ trợ như một phần của đội bóng. Claudecir (Brazil), cầu thủ từng góp công lớn trong chức vô địch V.League 2017 của CLB Quảng Nam, được biết đến là một trong những ngoại binh “Việt hóa” nhất V.League.
Anh được bố trí phiên dịch riêng, có đồng đội hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày, và quan trọng nhất, anh được lắng nghe. Người hâm mộ tại Quảng Nam từng ví anh như “chàng rể” của đội bóng vì sự gắn bó và gần gũi. Kể cả khi không còn giữ được phong độ, Claudecir vẫn luôn tôn trọng CLB chủ quản vì họ đã hỗ trợ rất nhiều để anh sớm tìm lại chính mình, dù điều đó không thành công.
Đến thời điểm hiện tại, tuy không còn thi đấu chuyên nghiệp, nhưng tiền đạo người Brazil vẫn giữ liên lạc với những người đồng đội cũ hay những HLV, những người mà anh xem là thầy tại Việt Nam.
Tương tự, Jonny Campbell, trung vệ người Mỹ từng khoác áo CLB TP.HCM, cũng là một ví dụ về việc hòa nhập thành công nhờ sự đồng hành từ CLB. Anh không chỉ được hỗ trợ trong tập luyện mà còn tham gia nhiều hoạt động ngoài sân cỏ, gần gũi với cổ động viên, thậm chí tự học tiếng Việt để dễ dàng giao tiếp với đồng đội. Kể cả khi dính chấn thương, Campbell vẫn nhận được nhiều sự động viên và chăm sóc từ phía CLB.
Điểm chung giữa Claudecir và Campbell không chỉ nằm ở chuyên môn tốt, mà còn ở sự đồng hành toàn diện từ CLB, từ ngôn ngữ, đời sống đến tinh thần. Khi được trao cơ hội để hòa nhập, họ đã đền đáp bằng sự trung thành và cống hiến hết mình. Nhưng không phải CLB nào cũng làm được điều đó.
Ở chiều ngược lại, nhiều đội bóng coi cầu thủ ngoại như “hợp đồng thuê ngắn hạn”, đến để ghi bàn, hết nhiệm vụ thì ra đi. Không hỗ trợ phiên dịch, không hỗ trợ đời sống, không quan tâm đến tinh thần, những hành xử lạnh lùng khiến nhiều ngoại binh dù có tài vẫn không thể trụ lại lâu dài.
Không có chuyện thích nghi
“Rất nhiều cầu thủ đến Việt Nam chơi bóng còn chẳng có bỏ túi vốn từ tiếng Anh, bởi những người kết nối cho họ đến V.League thường không quan tâm lắm đến khả năng thích nghi hay cơ hội thành công của cầu thủ đó. Thứ họ nhắm đến là tiền chuyển nhượng và hoa hồng khi thương vụ thành công”, một nhà môi giới châu Âu chia sẻ về một trong nhiều “góc tối” của các ngoại binh thi đấu tại V.League.
Trao đổi với Văn Hóa, vị này cho biết có rất nhiều trường hợp ngoại binh được giới thiệu đến V.League bị “thổi phồng” về chất lượng. Điều đó nhằm mang lại cho nhà môi giới một khoản hoa hồng từ những thương vụ trót lọt.
Vì thế, họ không quá quan tâm liệu cầu thủ này có thực sự phù hợp với đội bóng hay không. Điều tương tự cũng xảy ra với các HLV, những người trực tiếp làm việc với các ngoại binh.
Thực tế, nhiều trường hợp môi giới đồng ý không nhận tiền hoa hồng chuyển nhượng mà chỉ lấy phần trăm lương của cầu thủ. Nói cách khác, họ thỏa thuận ngầm với CLB để hưởng lợi trực tiếp từ thu nhập của cầu thủ.
Các công ty môi giới tại Brazil làm việc với những cầu thủ hạng C, D, E giá trị khoảng 1.000 USD, nhưng khi đưa sang đây, họ có thể nhận từ 6.000 - 9.000 USD. Khoảng chênh lệch quá lớn này khiến thị trường bị bóp méo và cầu thủ không được đánh giá đúng giá trị thật.
“Dĩ nhiên, có nhiều cầu thủ thực sự giỏi. Nhưng bóng đá Việt Nam là một môi trường khác biệt. Ở đây không có chuyện cho 3-6 tháng để thích nghi với đội bóng. Bạn phải đạt phong độ tốt ngay từ những buổi tập đầu tiên. Môi trường, cách quản lý, kỳ vọng và cách đối xử đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thích nghi và phát huy của cầu thủ. Nếu HLV không có quyền thực sự, không được hỗ trợ đúng mức hoặc phải làm việc trong một hệ thống đầy ràng buộc và can thiệp, thì rất khó để thể hiện hết khả năng, và kết quả là đội bóng cũng không thể phát triển bền vững”, vị môi giới kết luận.
Khi ngôn ngữ là chiếc chìa khóa để tồn tại
Không thể phủ nhận, nhiều ngoại binh là linh hồn của đội bóng khi họ ghi bàn, tạo đột biến, kéo khán giả đến sân. Nhưng để họ phát huy tối đa năng lực, họ cần cảm thấy “được thuộc về”. Học tiếng Việt, hiểu văn hóa, hòa nhập lối sống, đó là điều mà nhiều cầu thủ ngoại sẵn sàng làm, bởi họ không muốn phải “một mình chống Mafia”.
Điển hình có thể kể đến Pape Omar. Cựu cầu thủ Thanh Hóa và Hà Nội FC từng khiến nhiều CĐV bất ngờ khi phát biểu mạch lạc bằng tiếng Việt. “Tôi học từng từ một, nhờ đồng đội, cả người bán hàng nữa”, anh chia sẻ.
Một số ngoại binh nhờ bạn gái người Việt, số khác lên YouTube, học theo trẻ em mẫu giáo. Nhưng không phải ai cũng may mắn. Tiếng Việt khó, phát âm lạ, không có giáo trình chính thức, không có người dạy bài bản khiến việc học trở thành hành trình cô độc và dễ bỏ cuộc. Song, rất nhiều cầu thủ đã vượt qua rào cản ngôn ngữ và tỏa sáng ở những mùa giải tiếp theo, trước khi quyết định gắn bó lâu dài tại Việt Nam.
Bên cạnh những khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa, nhiều ngoại binh còn phải đối mặt với thực tế phũ phàng từ chính các CLB chủ quản. Không ít cầu thủ phản ánh việc bị nợ lương kéo dài, khiến họ mất đi sự an tâm cần thiết để tập trung thi đấu. Có trường hợp bị CLB đơn phương thanh lý hợp đồng khi phong độ chưa kịp ổn định, hoặc chỉ vì đội bóng muốn cắt giảm chi phí.
Trung vệ Jonathan Campbell từng chia sẻ rằng, anh cảm thấy rất hạnh phúc khi được chơi bóng ở Việt Nam và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ CLB cũng như đồng đội. Tuy nhiên, điều khiến anh buồn nhất trong thời gian khoác áo TP.HCM chính là việc bị trễ lương.
“Có thời điểm, tôi và đồng đội bị trễ lương hai tháng. Điều này khiến chúng tôi không thể tập trung cao độ khi ra sân. Ban huấn luyện cũng chẳng giúp được gì vì bản thân họ còn bị nợ lương nhiều hơn”, Campbell bộc bạch.
Nhà môi giới châu Âu cũng cho biết: “Không chỉ vấn đề lương bổng, còn rất nhiều câu chuyện về việc CLB không đảm bảo quyền lợi cho ngoại binh. Ví dụ, khi CLB muốn thanh lý hợp đồng trước hạn, nếu không đàm phán được, sẽ phát sinh tranh chấp và FIFA thường xử theo hướng có lợi cho cầu thủ, khiến CLB Việt Nam phải đền bù khoản tiền lớn hơn rất nhiều”.
Điều đó cho thấy, các CLB cần có sự thấu hiểu, chia sẻ với ngoại binh để đôi bên cùng có lợi. Một đội bóng chỉ thực sự mạnh khi các cầu thủ, dù nội hay ngoại, đều cảm thấy mình được trân trọng và thuộc về tập thể.
Sau tất cả, bóng đá không chỉ cần những bàn thắng. Bóng đá cần những cái bắt tay, những ánh mắt hiểu nhau, và cả những nỗ lực âm thầm để vượt qua khác biệt.
Những cầu thủ ngoại, dù đến từ bất kỳ nơi đâu, cũng mang theo giấc mơ “được thuộc về”. Khi họ tìm thấy mái nhà chung trên đất Việt, đó không chỉ là chiến thắng của riêng họ, mà còn là chiến thắng của tình người, của bóng đá, và của chính chúng ta.
NGỌC TRUNG - TẤN THỌ
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/the-thao/den-de-chien-dau-nhung-ra-di-trong-co-don-134995.html