Công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga đã hoãn việc đưa vào vận hành dự án Vostok Oil cho đến năm 2026, một phần là do thiếu tàu chở dầu có khả năng phá băng. Đáng chú ý, sự thiếu hụt này là do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Đầu năm nay, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt nhằm làm chậm hoặc dừng hoạt động xây dựng và hậu cần của dự án đang được xây dựng trên bờ sbiển Bắc Băng Dương ở Siberia.
Với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ USD, Vostok Oil là dự án phát triển dầu lớn nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua và là dự án lớn nhất ở Nga kể từ những năm 1980, trang Oil Price đưa tin hôm 12/12.
Theo trang tin này, vị trí xa xôi của dự án, xa người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế khiến việc xuất khẩu qua đường ống trở nên không khả thi. Thay vào đó, dầu sẽ được vận chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) bằng các tàu chở dầu chuyên dụng có khả năng phá băng.
Công trường xây dựng dự án Vostok Oil tại Sever Bay. Ảnh: High North News
Các đoạn đường ống dẫn dầu được xếp dọc theo bờ sông Yenisey, chờ được lắp ráp thành một phần của đường ống dẫn dầu cho dự án Vostok Oil. Ảnh: Barents Observer
Vostok Oil sẽ cần tới 50 con tàu như vậy để đảm bảo vận chuyển hàng quanh năm đến Vịnh Sever. Đơn đặt hàng ban đầu cho 10 tàu với xưởng đóng tàu Zvezda Viễn Đông của Nga đã không đạt được nhiều tiến triển và cho đến nay không có một tàu nào được giao.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến việc Rosneft mua tàu có khả năng phá băng từ các xưởng đóng tàu nước ngoài trở nên phức tạp và ít khả thi.
Với việc thị trường châu Âu không còn nhập khẩu dầu Nga, sản lượng chủ yếu sẽ được chuyển đến châu Á. Ấn Độ đã nổi lên là nước mua dầu lớn thứ hai của Nga, hiện chiếm 40% lượng dầu mua của nước này.
Tuần này, Rosneft đã đồng ý ký một thỏa thuận kéo dài 10 năm với công ty lọc dầu Ấn Độ Reliance để giao 500.000 thùng/ngày thuộc các loại khác nhau. Hợp đồng có giá trị 13 tỷ USD một năm theo giá hiện hành.
Trong giai đoạn 1, dự án được thiết kế để sản xuất 30 triệu tấn dầu mỗi năm, với sản lượng tăng lên 50 triệu tấn vào năm 2027 và 100 triệu tấn vào năm 2030 theo mốc thời gian ban đầu.
Khi đạt công suất tối đa, dự án dự kiến sẽ đóng góp gần 20% tổng sản lượng dầu của Nga. Với tổng trữ lượng 6,5 tỷ tấn, cùng 10.000 tỷ m3 khí đốt, Vostok Oil dự kiến sẽ sản xuất ổn định vào nửa sau của thế kỷ này.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên bờ bắt đầu vào tháng 7/2022 và công ty tiếp tục xây dựng đường ống dài 770 km từ các mỏ dầu Payyakha và Vankor đến cảng xuất khẩu Sever Bay.
Tàu phá băng '50 let Pobedy' của Nga hiện là tàu phá băng lớn nhất thế giới, có trọng tải hơn 25.000 tấn. Ảnh: High North News
Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự chuyển đổi của vùng lãnh nguyên Bắc Cực chưa phát triển thành một cơ sở công nghiệp lớn trong 2 năm qua.
Trong mùa vận chuyển mùa hè năm 2023 và 2024, các tàu chở hàng đã giao hơn 2 triệu tấn vật tư xây dựng đến Sever Bay. Mùa hè năm ngoái, các xà lan trên sông và đại dương đã hoàn thành hơn 700 chuyến hàng. Công trình xây dựng một cầu tàu dài 335 m tại bến tiếp nhận dầu đã hoàn thành vào năm 2024.
Tương tự như hoạt động LNG của Novatek, Rosneft đặt mục tiêu sử dụng các cảng trung chuyển ở Viễn Đông của Nga để giảm quãng đường mà các tàu phá băng phải di chuyển. Khi ra khỏi vùng nước đóng băng, dầu sẽ được chuyển sang các tàu chở dầu thông thường.
Cùng chung số phận bị "đóng băng" vì các lệnh trừng phạt của phương Tây là dự án LNG Artic 2 của gã khổng lồ Novatek trên bán đảo Gydan.
Minh Đức (Theo Oil Price)