Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học châu Á

Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học châu Á
6 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) đã khai thác tốt quyền tự chủ để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài từ bậc trung học phổ thông, đại học, cao học đến tiến sĩ; cung cấp gần 400.000 nhân lực trình độ cao cho đất nước. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành, doanh nhân thành đạt đã trưởng thành từ hệ thống ĐHQG TP.HCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM- Ảnh: TTXVN
ĐHQG TP.HCM phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế và thế mạnh về cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 154 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, trong đó 18 ngành, lĩnh vực đào tạo được xếp hạng quốc tế. Đồng thời, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề trọng điểm, mang tính chiến lược của đất nước, của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, khoa học giáo dục, khoa học sức khỏe, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, luật, sư phạm…
ĐHQG TP.HCM luôn duy trì là một đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng và chất lượng các công bố quốc tế, với tổng số gần 20.000 công bố quốc tế. Các nhà khoa học của ĐHQG TP.HCM đã nỗ lực không mệt mỏi, tích cực thúc đẩy những xu hướng khoa học mới, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của đất nước và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số... Theo bảng xếp hạng của QS World 2025, ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm 951-1.000 các đại học tốt nhất thế thế giới sau 30 năm thành lập.
ĐHQG TP.HCM được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai và tham gia nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học quan trọng tầm quốc gia, trong đó có Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản nhất trí với tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa trí tuệ, văn hóa Việt Nam với 3 giá trị cốt lõi: Xuất sắc, tiên phong, chính trực trong đào tạo, nghiên cứu; Trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động; Gắn kết, phục vụ cộng đồng.
Thời gian tới, để đạt được tầm nhìn nêu trên và mục tiêu "phát triển ĐHQG TP.HCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á" theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, các Quy hoạch vùng Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Với ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng đề nghị nỗ lực phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu: đến năm 2030 thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐHQG TP.HCM có đủ tự tin, bản lĩnh, điều kiện để phát triển, để tiến nhanh, bền vững; cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ động, tích cực đề xuất các cơ chế, chính sách, đóng góp cao nhất, hiệu quả nhất cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đó, cần tập trung xây dựng và vận hành mô hình quản trị đại học trên nền tảng số, đảm bảo tự chủ đại học, phát huy sức mạnh hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển thành một hệ sinh thái giáo dục - khoa học - công nghệ - quản lý hàng đầu Việt Nam. Phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tiên phong triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Trung ương, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, các nghị quyết khác có liên quan trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng xuất sắc, học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, quan tâm hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản. Đến năm 2030, đào tạo 1.800 cử nhân, 500 thạc sĩ, tiến sĩ ngành thiết kế vi mạch; đào tạo chuyển đổi, cấp chứng chỉ cho khoảng 15.000 cử nhân nhóm ngành công nghệ vi mạch bán dẫn; đào tạo 20.000 cử nhân, 2.300 thạc sĩ, tiến sĩ nhóm ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; đào tạo 1.600 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ nhóm ngành công nghệ sinh học.
Cùng với đó, chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ xuất sắc, trong đó có các nhà khoa học từ nước ngoài. Tập trung xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: Công nghệ bán dẫn, sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với Vùng và khu vực châu Á. Đến năm 2030, ươm tạo ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công với quy mô hàng chục triệu USD. Phát triển nguồn lực tài chính bền vững và xây dựng Khu đô thị ĐHQG TPHCM sáng xanh sạch đẹp, hiện đại và bản sắc.
Đặc biệt, trên cơ sở các giá trị cốt lõi của ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng đề nghị ĐHQG TP.HCM thực hiện 3 "tiên phong xuất sắc":
Thứ nhất, tiên phong xuất sắc trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên tinh thần nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán.
Thứ hai, tiên phong xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành mới nổi trong kỷ nguyên thông minh.
Thứ ba, tiên phong xuất sắc trong giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ĐHQG TP.HCM thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các cơ quan liên quan và 2 ĐHQG khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG. Trong đó, xác định rõ trao quyền tự chủ cao; có cơ chế, chính sách vượt trội về thu hút nhân tài, tuyển dụng các giảng viên, nhà khoa học từ các trường đại học hàng đầu thế giới; thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các tổ chức quốc tế, trong nước, nâng cao quản trị thông minh
Thủy Long
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/den-nam-2030-dai-hoc-quoc-gia-tp-hcm-thuoc-nhom-100-co-so-giao-duc-dai-hoc-chau-a-229634.html