Lễ trai đàn diễn ra trang nghiêm, thành kính. Ảnh: Nhật Mười
Lễ Trai đàn là hoạt động mang giá trị tâm linh sâu sắc, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Nghi lễ không chỉ nhằm tưởng niệm, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, mà còn góp phần giáo dục đạo lý, truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước và lòng tri ân trong cộng đồng.
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai - thủ nhang Đền Rừng, tu thiết lễ nghi hương hoa, đăng trà, quả thực, thành tâm tri ân anh linh anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Nhật Mười
Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động, Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai - thủ nhang Đền Rừng - trưởng đoàn, cho biết: "Tâm nguyện của tôi là làm sao để anh linh các anh hùng liệt sĩ được tưởng niệm đúng với đạo lý dân tộc. Khi còn sống, các anh giữ nước. Khi đã khuất, các anh vẫn xứng đáng được đời sau chăm lo về mặt tâm linh. Mỗi lần dâng hương, tặng quà tri ân, tôi như được tiếp thêm động lực, sống sao cho có ích hơn với xã hội, để không phụ lòng người đã ngã xuống."
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Nhật Mười
Hoạt động trao quà tri ân là điểm nhấn đầy ý nghĩa trong hành trình nghĩa tình này. Mỗi phần quà không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc mà còn trở thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại. Đại diện chính quyền xã Nam Hải Lăng trân trọng ghi nhận những đóng góp của đoàn và khẳng định đây là hoạt động thiết thực, mang giá trị tinh thần sâu sắc, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh và lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp.
60 suất quà tri ân đã được đoàn gửi tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình có công với cách mạng, trên địa bàn xã Nam Hải Lăng. Ảnh Nhật Mười
Bến sông Ô Lâu - cầu Mỹ Chánh, nơi diễn ra đại lễ, là địa danh mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong lịch sử kháng chiến. Đây từng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, vùng đất in đậm dấu ấn của một thời đạn bom ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Việc lựa chọn địa điểm này để tổ chức nghi lễ không chỉ thể hiện sự tri ân quá khứ mà còn góp phần kết nối không gian linh thiêng với chiều sâu lịch sử, khơi dậy ký ức dân tộc qua hình thức văn hóa tâm linh truyền thống.
Trước đó, ngày 26/7, đoàn cũng đã có mặt tại khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) dâng hương tưởng niệm mười nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh giữa mưa bom ác liệt khi tuổi đời còn rất trẻ. Những nén nhang trầm mặc thắp lên tại đây là lời tri ân lặng lẽ nhưng thiêng liêng, là sợi dây kết nối giá trị thiêng của quá khứ với đời sống hôm nay.
Đoàn dâng hương tại khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc
Những hoạt động trong dịp 27/7 năm nay, từ dâng hương, cầu siêu đến trao quà tri ân, đã góp phần làm sống dậy những giá trị văn hóa, tâm linh bền vững của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là sự tưởng nhớ, mà còn là cách mà thế hệ hôm nay tiếp tục viết tiếp truyền thống đạo lý, lòng biết ơn, để ngọn lửa tri ân không bao giờ tắt.
Chính từ những nghĩa cử như vậy, “ngọn lửa văn hóa biết ơn” - vốn là hồn cốt của văn hóa Việt - sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền, soi sáng con đường tương lai bằng ánh sáng của ký ức và tình người.
Bình An