Đền thiêng nơi biên ải

Đền thiêng nơi biên ải
một ngày trướcBài gốc
Một tấc không đi, một ly không rời
Bình độ 400 chỉ cao 400m, nhưng đứng ở điểm này bằng mắt thường cũng có thể quan sát được toàn bộ khu vực thành phố Lạng Sơn cũ cũng như các xã vùng biên xứ Lạng.
Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, nguyên Trợ lý tổ chức của Sư đoàn 337 Quân đoàn 14, Quân khu 1 cho biết: “Ngày 5/5/1981, Trung Quốc bắt đầu dùng hỏa lực, pháo bắn tới tấp vào bình độ 400 và các khu vực chiến lược của ta khoảng 7 - 8 km sâu vào nội địa.
Khi bị tấn công, bộ đội của ta cũng nã pháo đáp trả… Các ngày sau đó, địch dồn quân với sự yểm trợ của hỏa lực mạnh hòng chiếm điểm cao 400. Cuộc chiến quyết liệt giữa ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào... Ngoài lực lượng chủ công là Trung đoàn Bộ binh 52, hầu hết các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 337 (e4, e92, e197, ePB108) cùng hai đại đội Trinh sát, Đặc công Quân khu 1... đã liên tục ngoan cường chiến đấu…
Ngày đó, xung quanh khu vực biên giới này không có cây cối nhiều, chỉ có những cây sim, cỏ tranh thấp và nhỏ. Phát hiện quân ta, địch đã dùng pháo binh và súng cối bắn cấp tập vào đội hình chiến đấu của ta. Hai bên giao chiến, đất đá bay mù mịt, khói súng đạn khét lẹt cả một vùng.
Sau nhiều ngày đối đầu sinh tử, biết không thể khuất phục được ý chí của quân ta, ngày 16/5/1981, Trung Quốc buộc phải rút quân, từ bỏ ý đồ đánh chiếm lâu dài bình độ 400”.
Tri ân đồng đội đã hy sinh tại bình độ 400. Ảnh: Duy Chiến
Để giữ đất biên cương, tại đây hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị: Sư đoàn Bộ binh 337, Trung đoàn Đặc công 198, Tiểu đoàn Trinh sát 31, Tiểu đoàn Đặc công 20 Quân khu 1... và dân quân tự vệ huyện Cao Lộc (cũ) đã gửi trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Chỉ riêng Trung đoàn Bộ binh 52, Sư đoàn 337 đã có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, trong đó có trên 70 đồng chí chưa tìm được hài cốt.
Tìm đồng đội
Là người trực tiếp chỉ huy và cùng đồng đội bám trụ, chiến đấu ngoan cường ở điểm cao 400, cựu binh Nguyễn Công Khiêu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 52, Sư đoàn 337) chia sẻ: “Tại bình độ này, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, sau bao năm vẫn chưa đưa được hài cốt các anh về quê hương...Tôi đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để cùng đồng đội tìm kiếm các liệt sỹ”.
Còn thương binh Nguyễn Văn Nhung quê ở tỉnh Quảng Trị, khi ra thắp hương ở đây, đã xác định được nơi an nghỉ của 8 liệt sĩ chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Ông nhớ lại và cho biết, bao năm qua vẫn đau đáu vì còn 8 anh em chiến sĩ của mình hy sinh vẫn nằm trong ngôi nhà của tiểu đội trinh sát. Sau này, trở lại bình độ 400, ông Nhung đã xác định được vị trí 8 liệt sĩ vẫn nằm trong hầm khi hi sinh và bàn giao địa điểm cho các đơn vị chức năng để tiến hành quy tập…
Sau khi được tìm thấy, 5 bộ hài cốt liệt sĩ được quàn tại nhà quản trang Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn
Đại tá Lương Đình Nhạc, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn thông tin: Để việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bảo đảm an toàn, Bộ CHQS tỉnh giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh 17 triển khai kế hoạch rà phá mìn một cách tỉ mỉ, khoa học. Qua thăm dò, mật độ tín hiệu phát ra dày đặc ghi nhận còn rất nhiều mìn, vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất.
Sau nhiều ngày vất vả, anh em đã làm sạch bề mặt khu vực tìm kiếm hơn 1.000m2, tạo khu vực an toàn để lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Trong vòng nửa tháng, đội đã tìm thấy 5 bộ hài cốt và di vật của các liệt sĩ.
“Kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại khu vực bình độ 400 thể hiện sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời gian tới, đơn vị quyết tâm làm hết sức, khắc phục mọi khó khăn để công tác này đạt kết quả cao nhất”, Đại tá Nhạc khẳng định.
Tri ân người ngã xuống
Các Cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ về thăm chiến trường xưa, tri ân đồng đội đã ngã xuống
Thể theo nguyện vọng của đông đảo Cựu chiến binh mặt trận Lạng Sơn cùng thân nhân liệt sĩ, Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận B400 đã phát tâm công đức, quyên góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để xây dựng Đền thờ liệt sĩ chống xâm lược trên chính bình độ 400. Đền thờ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2021.
Từ đó đến nay đã có hàng trăm đoàn Cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, cơ quan đoàn thể và nhân dân các địa phương đến dâng hương, tưởng nhớ và tri ân liệt sĩ. Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh chia sẻ: “Khi được phép xây dựng đền thờ liệt sĩ chúng tôi không có đồng tiền nào, nhưng vừa xây vừa vận động.
Những Cựu chiến binh của Sư đoàn hiện phục viên ở tận Quảng Trị và các tỉnh miền Trung cũng gửi tiền ra góp. Có cả những người chưa bao giờ đi bộ đội cũng phát tâm ủng hộ…Cuối cùng chúng tôi đã huy động gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng đền”.
“Từ khi có ngôi đền thờ các liệt sĩ tại bình độ 400, rất nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 337 từng chiến đấu ở đây, đã quay trở lại hành hương tri ân đồng đội. Nhiều người dân, học sinh đến ôn lại lịch sử, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, bảo vệ từng tấc đất biên cương của bao thế hệ cha anh”. Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh
Trò chuyện với chúng tôi trước sân đền, Đại tá Khuỳnh hoan hỷ nói: “Ngày khánh thành ngôi đền, chúng tôi làm lễ cầu siêu để rước vong linh các anh hùng liệt sĩ quy tụ về đây. Trong lòng chúng tôi thấy an tâm lắm. Vì ngôi đền không chỉ là ngôi nhà chung của các liệt sĩ, là cột mốc ở nơi biên ải bảo vệ biên cương, mà còn giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước của cha anh chúng ta”.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa 46 năm, nhưng cứ mỗi dịp vào ngày 17/2, hay ngày 27/7, những Cựu chiến binh lại hẹn nhau rồi cùng trở lại thăm chiến trường khốc liệt năm xưa. Vừa thắp nhang tưởng nhớ, tri ân đồng đội vừa chứng kiến vùng đất Cao Lộc - nơi hứng chịu “mưa bom bão đạn” của cuộc chiến tranh nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn cây trái…
Nguyễn Duy Chiến
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/den-thieng-noi-bien-ai-post1763352.tpo