Đền Trung, đền Đông, đền Đoài trên đất Nga Thạch

Đền Trung, đền Đông, đền Đoài trên đất Nga Thạch
4 giờ trướcBài gốc
Đền Trung, đền Đông, đền Đoài nằm trong cụm di tích Đền Nga Thạch và chùa Thạch Tuyền.
Đền Trung, đền Đông, đền Đoài nằm trên đất làng Hậu Trạch - một vùng đất cổ có con người đến cư ngụ từ khá sớm. Từ ngôi cổ tự Thạch Tuyền, đi thêm khoảng 400m vào phía trong làng là đến đền Trung, đền Đông, đền Đoài. Di tích cổ kính nằm dưới tán cây quanh năm xanh mát.
Cổng vào di tích đền Trung, đền Đông, đền Đoài.
Ông Mai Thế Chiêm, người dân địa phương trông coi tại di tích hơn 10 năm qua, cho biết: “Khi xưa, dù cùng nằm trên đất làng Hậu Trạch nhưng đền Đông, đền Đoài nằm ở vị trí khác. Về sau, do chiến tranh tàn phá và một số nguyên nhân, đền Đông, đền Đoài đã được người dân trong làng dời về trong khuôn viên đền Trung. Cùng với chùa Thạch Tuyền, đền Đông, đền Đoài, đền Trung là “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương".
Đền Trung, đền Đông, đền Đoài thờ các vị thần được người dân tôn kính
Theo các tài liệu lưu giữ và truyền ngôn dân gian, đền Đoài được khởi dựng vào thời Lý, thờ một vị nữ thần đã có công phù trợ vua Lý đánh thắng giặc. Sau khi thắng trận trở về, tưởng nhớ công ơn của thần, nhà vua đã sắc phong cho thần là Càn Thiên công chúa Thượng đẳng phúc thần. Đồng thời ban cho dân làng ruộng đất và tiền bạc để lập dựng đền thờ. Các triều đại phong kiến về sau cũng nhiều lần ban sắc phong.
Nếu như đền Đoài có lịch sử lập dựng vào thời Lý thì đền Đông lại được khởi dựng vào thời nhà Trần, thờ vị thần vẫn được người dân tôn gọi là Thủy quân giang sứ đã có công giúp vua nhà Trần đánh giặc Chiêm Thành. Thần được sắc phong là Thượng đẳng phúc thần Đại vương.
Voi đá hiện còn lưu giữ tại di tích.
So với đền Đoài, đền Đông thì đền Trung được lập dựng muộn hơn, vào thời Lê Trung hưng. Đền thờ bà “chúa” có tên hiệu là Diệu Thăng. Tương truyền, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, thông minh, nhân đức. Sinh thời bà là vợ chúa Tây Định vương Trịnh Tạc, đã có công nuôi dưỡng Định Nam vương Trịnh Căn. “Triều Lê Hy tông, bà được vua phong là Chiêu Nghi Thượng đẳng tôn thần vị tiền” và tặng cho đôi câu đối: “Công tại vương gia, ân tại kỷ/Sinh vi quốc mẫu, tử vi thần”. Đến triều Nguyễn, bà được phong Dực bảo Trung hưng linh phù Trung đẳng thần. Sau lại được tặng Trang huy Thượng đẳng thần” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Nga Thạch).
Hằng năm, tại đền Trung, đền Đông, đền Đoài diễn ra ba kỳ lễ lớn vào tháng 4, tháng 6 và tháng Chạp (âm lịch). Trong các kỳ lễ hội đều tổ chức tế lễ, dâng cúng thành kính, bày tỏ sự ngưỡng vọng của người dân đến các vị thần được thờ tại đền. Qua đó, cùng cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp.
Trang Bùi
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/den-trung-den-dong-den-doai-tren-dat-nga-thach-34984.htm