Đến Trường Dục Thanh, nhớ công ơn Người

Đến Trường Dục Thanh, nhớ công ơn Người
9 giờ trướcBài gốc
Mái trường lưu dấu chân Người
Trường Dục Thanh trước đây có tên gọi Dục Thanh Học Hiệu, nằm cạnh dòng sông Cà Ty thơ mộng, được thành lập năm 1907 do gia đình cụ Nguyễn Thông vận động Nhân dân đóng góp công sức xây dựng ngay trên mảnh đất của gia đình. Đây là trường học tư thục đầu tiên được thành lập tại thành phố Phan Thiết nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân do các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Đây là ngôi trường tư thục tiến bộ nhất tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ, giáo viên chỉ nhận trợ cấp, không hưởng lương, còn học trò không phải đóng tiền xây dựng và học phí nên chỉ gần một năm sau khi hình thành, danh tiếng nhà trường vang xa, quy tụ nhiều thầy giỏi, học trò là con em các sĩ phu yêu nước và người dân nghèo hiếu học tìm đến. Năm 1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (khi ấy 20 tuổi) là thầy giáo trẻ nhất tham gia dạy học tại đây.
Trường Dục Thanh. Ảnh: Internet.
Ngày đó, người có điều kiện đi học không nhiều nên quy mô trường khá nhỏ, không xây từng lớp học riêng như ngày nay mà chỉ dựng một ngôi nhà chung, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch Bát Tràng, cột và vách làm bằng gỗ. Lịch sử ghi lại, trường có 7 thầy giáo với khoảng 60 học sinh, chia làm 4 lớp là tư, ba, nhì, nhất (tương đương từ lớp 2 đến lớp 5 ngày nay). Thầy giáo Nguyễn Tất Thành giảng dạy lớp nhì (tương đương lớp 4 ngày nay), ngoài ra còn trợ giảng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp và môn thể dục thể thao. Bằng tất cả tình yêu thương, trách nhiệm và với tư tưởng tiến bộ, thầy giáo đã hết lòng truyền dạy kiến thức, cổ vũ tinh thần yêu nước cho học sinh.
Ngoài giờ học trên lớp, những buổi học ngoại khóa, thầy Thành đưa học trò về các làng chài tận mắt chứng kiến bà con ngư dân lao động, tham quan cảnh đẹp của quê hương. Trong những chuyến đi ấy, thầy thường kể cho các trò nghe những câu chuyện về Bà Trưng, Bà Triệu, đọc những bài thơ yêu nước... Tháng 2/1911, thầy giáo Thành rời Trường Dục Thanh đến Sài Gòn trước khi vượt đại dương ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Dù thời gian gắn bó với trường không dài (khoảng 5 tháng), song bà con xóm chài ở Phan Thiết và học trò đều một lòng kính trọng, cảm nhận được ở thầy giáo Nguyễn Tất Thành một tình yêu nước nồng nàn, cháy bỏng, lẽ sống cao đẹp.
“Địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn
Vì nhiều lý do nên đầu năm 1912, Trường Dục Thanh đóng cửa. Để ghi nhớ công ơn của Người, cuối năm 1978, trường được tỉnh Bình Thuận trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại nguyên gốc như trước. Bên cạnh trường là tượng đài Bác Hồ, Nhà trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Cuối năm 1986, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Trường Dục Thanh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” không thể thiếu trong hành trình về nguồn của mỗi người dân đất Việt.
Du khách nước ngoài tham quan Trường Dục Thanh.
Trải qua hơn 100 năm hình thành cùng bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, sau khi được phục dựng, tôn tạo, đến nay kiến trúc Trường Dục Thanh vẫn giữ được nguyên bản. Trường được xây dựng theo lối cổ xưa, một gian hai mái, trên mái lợp bằng ngói âm dương, dưới nền sân và nhà lát gạch Bát Tràng, xung quanh được làm bằng những song gỗ xếp chéo hình thoi để lấy ánh sáng và gió tự nhiên từ bên ngoài. Ngoài lớp học còn có khu nội trú của các thầy giáo và học trò từ các vùng miền xa xôi về đây.
Nhiều hiện vật gốc từ thời Bác dạy học còn được lưu giữ như: Bộ họa đàng trường kỷ, bộ ván gõ, chiếc án thư, tủ đứng, tráp văn thư, nghiên mài mực… Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với những năm tháng dạy học ở Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Trong khuôn viên khu di tích còn có cây khế năm xưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường hay tưới nước, chăm sóc, đọc sách, ngâm thơ. Với sức sống bền bỉ, ngày nay, cây khế vẫn ra hoa, kết trái, được Nhân dân thân thương gọi là “Cây khế Bác Hồ”.
Dù lần đầu chúng tôi được đặt chân đến nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học cách đây hơn một thế kỷ nhưng dư âm như còn mãi. Khu di tích lịch sử - văn hóa Trường Dục Thanh không chỉ là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn mà còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Dưới ánh nắng chan hòa trên thành phố biển Phan Thiết, Khu di tích Trường Dục Thanh rộng cửa chào đón hàng nghìn lượt du khách đến dâng hương, tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Hồng Vân, du khách đến từ Hà Nội cho biết, bà cùng 20 thành viên trong đoàn đã chọn Bình Thuận là điểm đến du lịch trong kỳ nghỉ hè năm nay. Mọi người vô cùng cảm động khi lần đầu được chứng kiến những hiện vật đơn sơ, mộc mạc và nghe hướng dẫn viên kể lại câu chuyện gắn với đời sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Ngoài bà Vân, hôm chúng tôi đến còn có nhiều đoàn du khách nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu Khu di tích Trường Dục Thanh. Hướng tới kỷ niệm 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890 - 2025), năm nay Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận (đơn vị quản lý Trường Dục Thanh) tổ chức triển lãm, trưng bày hàng nghìn bức ảnh, tư liệu lịch sử về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác. Sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh có ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần khẳng định lòng yêu nước son sắt, ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người.
Dù lần đầu được đặt chân đến nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học cách đây hơn một thế kỷ nhưng dư âm như còn mãi. Chúng tôi cũng như bất cứ người dân đất Việt nào đều có chung cảm nhận ở Di tích lịch sử - văn hóa Trường Dục Thanh không chỉ là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khi đến với tỉnh Bình Thuận mà còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước, bồi đắp lý tưởng sống cao đẹp để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục sống, học tập, làm việc theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Hải Vân
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/den-truong-duc-thanh-nho-cong-on-nguoi-postid418360.bbg