Khi cuộc chiến giữa Ukraine và Nga kéo dài, các công ty quốc phòng thuộc NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang mở văn phòng, thiết lập dây chuyền sản xuất mới và hợp tác chặt chẽ với các đối tác Ukraine ngay tại quốc gia này.
Với Ukraine, điều này mang lại lợi ích là có hỏa lực nhanh hơn, được điều chỉnh phù hợp hơn. Trong khi đó, các nước phương Tây có được thứ mà tiền bạc thường không mua được: Những bài học thực tiễn trong chiến tranh hiện đại.
Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang cung cấp những hiểu biết đắt giá và các quốc gia NATO có thể thu về những bí quyết đó trước khi cần phải áp dụng vào thực tế.
Trao đổi với trang Insider, đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine mô tả các công ty quốc phòng phương Tây làm việc tại Ukraine là “tình huống đôi bên cùng có lợi”. Bởi họ học hỏi từ cuộc chiến và chính ngành công nghiệp của nước này, đồng thời hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã thừa nhận rằng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước họ còn nhiều điều cần học hỏi từ lĩnh vực quốc phòng đang bùng nổ của Ukraine.
Ihor Fedirko, Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, cho biết các công ty phương Tây mở văn phòng và sản xuất tại Ukraine sẽ tích lũy được kinh nghiệm “cho loại hình công việc của chúng tôi (liên quan đến quốc phòng, sản xuất vũ khí, tác chiến trong môi trường chiến tranh thực địa - PV)”. Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine là tổ chức đại diện cho hơn 100 công ty quốc phòng nước này.
Tình hình chiến sự ở Ukraine thay đổi rất nhanh, với các diễn biến, chiến thuật, công nghệ mới và sự đổi mới sáng tạo đang làm thay đổi đáng kể phương thức tác chiến. Trong đó, sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái (drone) là một ví dụ nổi bật.
Drone được Nga sử dụng ở Ukraine nhiều hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác trong lịch sử - Ảnh: Getty Images
Trong số ngày càng nhiều các công ty quốc phòng phương Tây mở cơ sở tại Ukraine có Quantum Systems. Đây là công ty Đức chuyên về drone và tình báo trên không.
Tháng trước, Quantum Systems cho biết sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất tại Ukraine. Ngoài ra, tập đoàn quốc phòng KNDS (Pháp - Đức) đang mở chi nhánh tại đây.
Rheinmetall đang có kế hoạch mở nhiều nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine - Ảnh: Reuters
Tập đoàn quốc phòng và hàng không đa quốc gia BAE Systems (Anh) đã thiết lập hoạt động tại Ukraine. Công ty quốc phòng Nammo (Na Uy) đã ký thỏa thuận hợp tác với một hãng quốc phòng Ukraine. Hãng sản xuất vũ khí Rheinmetall (Đức) có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy ở Ukraine, gồm cả một cơ sở sản xuất đạn và xe thiết giáp chiến đấu Lynx.
Lynx là loại xe thiết giáp chiến đấu hạng trung, được thiết kế để hỗ trợ bộ binh trên chiến trường, có thể chở theo lính, bảo vệ họ trước hỏa lực địch, đồng thời tham gia tấn công.
Mẫu Lynx đầu tiên được Đức chuyển giao cho Ukraine
Ngay cả các công ty phương Tây chưa có cơ sở sản xuất tại Ukraine cũng đang thử nghiệm sản phẩm ở đây, hợp tác hợp tác với các hãng cùng binh lính địa phương và điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Kuldar Väärsi, Giám đốc điều hành Milrem Robotics, nói với trang Insider rằng công ty này làm việc trực tiếp với ngành công nghiệp Ukraine để đảm bảo hệ thống luôn phù hợp, đồng thời “hợp tác để rút ra bài học từ cuộc chiến ở đây và giúp cải thiện thiết bị quốc phòng châu Âu”.
Đã có mặt tại Ukraine, Milrem Robotics là hãng quốc phòng Estonia chuyên sản xuất hệ thống robot quân sự như THeMIS.
Robot THeMIS được sử dụng và thử nghiệm tại Ukraine
Ông Kuldar Väärsi nói rằng châu Âu cần học hỏi từ ngành công nghiệp Ukraine về “những gì hiệu quả, không hiệu quả và cần thay đổi”.
THeMIS là hệ thống robot mặt đất không người lái. Đây là nền tảng chiến đấu đa nhiệm được thiết kế nhằm hỗ trợ bộ binh trong nhiều hoạt động khác nhau trên chiến trường, từ vận chuyển trang thiết bị, cứu thương cho đến trinh sát và tác chiến hỏa lực.
Điểm đặc biệt của THeMIS nằm ở thiết kế mô đun linh hoạt, cho phép lắp đặt nhiều loại thiết bị khác nhau tùy theo nhiệm vụ. Nó có thể được gắn súng máy, tên lửa chống tăng, hệ thống dò mìn hoặc thùng hàng hậu cần, giúp giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ trong môi trường chiến sự khốc liệt.
THeMIS hoạt động bằng bánh xích và có khả năng vượt địa hình phức tạp như bùn lầy, tuyết hoặc các khu vực đô thị đổ nát. THeMIS có thể được điều khiển từ xa hoặc hoạt động bán tự động nhờ hệ thống định vị GPS, cảm biến, radar và camera gắn trên thân xe.
Trên chiến trường Ukraine, THeMIS đã được sử dụng trong nhiều tình huống thực tế như tiếp tế vũ khí, sơ tán thương binh hoặc hỗ trợ tấn công từ xa.
Ngoài ra, các hoạt động tại Ukraine như Brave1, nền tảng đổi mới và công nghệ quốc phòng do chính phủ nước này điều hành, đang tạo điều kiện để các công ty nước ngoài thử nghiệm công nghệ chiến đấu trực tiếp trên chiến trường.
Luke Pollard, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Vương quốc Anh, tuyên bố vào tháng 5 rằng: “Nếu là một công ty sản xuất drone mà sản phẩm của bạn không có mặt tại tiền tuyến ở Ukraine thì xem như bị tụt lại phía sau”.
Những diễn biến này đang mang đến nhiều công nghệ chiến đấu cho Ukraine, quốc gia đang cần cả giải pháp sáng tạo lẫn hỏa lực quy mô lớn để có thể đương đầu với Nga.
Phương Tây có thể học được gì từ Ukraine?
Troels Lund Poulsen, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch (một đồng minh của NATO), nói với Insider hồi tháng 2: “Tôi nghĩ chúng tôi có rất nhiều điều cần học từ Ukraine”.
Troels Lund Poulsen giải thích rằng ông muốn các hãng quốc phòng Đan Mạch học hỏi từ các công ty Ukraine để “rút ra một số bài học và áp dụng lại”.
Theo ông, bằng cách giúp đỡ Ukraine, “một số bài học sẽ trở về Đan Mạch và đó thực sự là tình huống đôi bên cùng có lợi, cho cả các công ty quốc phòng Ukraine và Đan Mạch”.
Một số bài học đang trở lại Đan Mạch thông qua cách thức mới mà nước này sử dụng để cung cấp vũ khí cho Ukraine, Troels Lund Poulsen cho biết. Đây là mô hình do Đan Mạch khởi xướng, theo đó các quốc gia sẽ mua vũ khí cho Ukraine trực tiếp từ các công ty Ukraine. Điều này đồng nghĩa vũ khí đến với quân đội Ukraine nhanh hơn và rẻ hơn, không làm trầm trọng thêm tình trạng tồn đọng đơn đặt hàng mà các công ty quốc phòng khắp châu Âu đang phải đối mặt.
Lựu pháo Bohdana là một trong những loại vũ khí được Ukraine sản xuất nhiều hơn nhờ mô hình của Đan Mạch - Ảnh: Getty Images
Troels Lund Poulsen nói việc kết nối mới giữa ngành công nghiệp quốc phòng hai nước đồng nghĩa các bài học từ những công ty Ukraine có thể truyền đạt lại cho các đối tác Đan Mạch. Ông nhấn mạnh rằng một trong những bài học quan trọng nhất mà Đan Mạch cần áp dụng là “cách sản xuất nhanh”.
Phương Tây đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc xung đột nghiêm trọng, chẳng hạn cuộc chiến giữa Nga với NATO hoặc cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, và ngân sách quốc phòng đang tăng vọt.
Cuộc chiến ở Ukraine đang cung cấp cái nhìn sâu sắc về chiến tranh hiện đại, cụ thể là cần những loại vũ khí, chiến thuật và kiểu huấn luyện nào cho các cuộc chiến trong tương lai. Điều quan trọng rút ra từ cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga: Trong một cuộc chiến lớn, cần có khả năng sản xuất vũ khí và thiết bị nhanh chóng.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố hồi tháng 2 rằng “sẽ là vấn đề nếu một quốc gia đang có chiến tranh (Ukraine - PV) sản xuất nhanh hơn phần còn lại của chúng ta”.
Bà Mette Frederiksen nhấn mạnh: “Tôi không nói rằng chúng ta đang trong thời chiến, nhưng không thể nói rằng chúng ta đang trong thời bình nữa. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy”.
Ihor Fedirko (Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine) cho rằng tốc độ là điều mà những công ty châu Âu khác có thể học hỏi từ các hãng Ukraine.
“Chúng tôi có thể nói rằng điểm mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine là khả năng mở rộng sản xuất. Đó là điều mà chúng tôi làm rất tốt. Thời gian giữa nghiên cứu và phát triển và sản xuất là rất ngắn”, ông nói.
Ihor Fedirko nói thêm rằng các công ty Ukraine cũng “rất nhanh trong việc thử nghiệm, phát hiện điểm yếu, tinh chỉnh và sau đó tung ra sản phẩm mới”.
Theo ông, Ukraine đã chứng minh được khả năng sáng tạo và mở rộng sản xuất nhanh chóng các loại vũ khí mới như drone.
Cả Ihor Fedirko, các nhà lãnh đạo quốc phòng NATO và chuyên gia chiến tranh đều từng cảnh báo: “Cuộc chiến Ukraine - Nga chỉ ra rằng phương Tây cần sở hữu nhiều vũ khí rẻ hơn và được sản xuất nhanh chóng, thay vì chỉ tập trung vào số ít thiết bị tối tân”. Họ nói cần có sự cân bằng giữa số lượng lớn vũ khí giá rẻ và hỏa lực tinh xảo.
Đạn cũng là yếu tố then chốt. Mark Rutte, Tổng thư ký NATO, cảnh báo trong tháng 7 rằng Nga sản xuất lượng đạn trong 3 tháng nhiều bằng NATO cả năm. Trong cuộc chiến ở Ukraine, đạn dược đôi khi là yếu tố quyết định cho các trận đánh.
Làm việc tại Ukraine sẽ giúp các công ty phương Tây hiểu rõ hơn và có cái nhìn sâu sắc hơn về nhu cầu của một cuộc chiến tranh hiện đại quy mô lớn.
Nga đã trực tiếp rút ra những bài học này từ thực tế chiến trường. Trong khi phương Tây đang tận dụng cơ hội này để học hỏi qua việc hỗ trợ và quan sát chiến sự ở Ukraine, từ đó rút ra kinh nghiệm, cải tiến vũ khí và chuẩn bị cho những cuộc xung đột tương lai.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/den-ukraine-san-xuat-vu-khi-nato-co-bai-hoc-chien-tranh-hien-dai-235414.html