Thơ của gái Quảng Trị
Có lần nào em thủ thỉ với anh
Về một vùng quê xa xôi nghèo khó
Nơi chỉ có mưa buồn, hạn khổ
Nắng cháy nung người, lạnh buốt tận cùng xương
Trưa gió Lào chân mẹ bỏng nhựa đường
Ba ngược gió nghiêng tơi chiều đông giá.
Người nơi ấy luôn đương đầu vất vả
Từ lúc sinh ra cho đến lúc tuổi già
Chân bám ruộng đồng mưa nắng sương sa
Chén cơm nóng dưa cà xong bữa
Em chưa nói về dòng sông trăn trở
Bởi máu xương nhuộm đỏ một thời
Nước chảy ngậm ngùi thương số kiếp anh ơi
Nam Trung Bắc tuổi thanh niên đều mất.
Từ thuở bé bốn tao nôi mẹ hát Câu ầu ơ!
Hòa tiếng súng hằng đêm
Hỏa châu rơi như sao rụng bên thềm
Chưa hiểu hết đã dạn dày loạn lạc.
Quê em đó
Anh ơi miền đất Quảng...
Chẳng phải Quảng ngọt ngào đường mía mạch nha
Không phải Quảng cảng sâu tàu lớn nhỏ vào ra
Hay thành phố điện đèn lấp lánh.
Miền đất Quảng quê em
Là địa đầu giới tuyến.
Sông một thời cắt máu thịt chia xa
Hứng chịu tang thương, còn mất mọi nhà
Nỗi đau âm ỉ dù đã là quá khứ
Phận con gái sinh ra từ nơi đó
Số phận dường như đều phải nhuộm màu đen
Nhưng thương đau không có nghĩa yếu hèn
Nên khí chất có khi là khí tiết.
Người trưởng thành từ tử sinh từng phút
Biết quý đời
Trân trọng sự thủy chung
Biết thương yêu hàn gắn mọi lỡ lầm...
Ươm mầm mới từ những điều đổ nát
Quê hương đó...
và con người em đó
Mềm yếu khi yêu - mạnh mẽ khi cùng
Có thương nhau hãy giữ một tấm lòng...
(Thương mến những em gái Quảng Trị, tháng 4/2017)
Đinh Thị Quang Tuyết
Thơ của gái Quảng Trị, thoạt nhìn qua tiêu đề dễ cho chúng ta cảm nhận nếu là đề tài thì thật rộng, nếu là tiểu luận thì thật hay, nhưng không đây là tên của một bài thơ thật đáng yêu.
Đinh Thị Quang Tuyết, tác giả của bài thơ đã mở lời thật duyên dáng: “Có lần nào em thủ thỉ với anh”, câu thơ vừa là một câu hỏi tu từ tự hỏi em và hỏi anh, vừa là một câu khẳng định chắc nịch rằng trong một không gian riêng tư chỉ có hai người, em đã tâm tình, em đã thổ lộ, em đã nói nhỏ cùng anh - người em yêu quý nhất. Từ thủ thỉ ở đây trở thành một uyển ngữ của tình yêu, thả những giọt ý nghĩa long lanh trong sáng cho từng lời nhân vật em giải bày: “Về một vùng quê xa xôi nghèo khó / Nơi chỉ có mưa buồn, hạn khổ / Nắng cháy nung người, lạnh buốt tận cùng xương”.
Giếng làng - Ảnh: T.L
Đó là một vùng quê vừa xa xôi vừa nghèo khó, mỗi năm chỉ có hai mùa ở biên độ vượt ngưỡng làm nên siêu nắng (hạn xuất hiện trước rồi tiếp theo là nắng cháy nung người), siêu mưa (mưa kéo đông về lạnh buốt tận cùng xương).
Cách tả, cách kể, những câu thơ tự do ngắn dài theo cảm xúc, cho thấy nhân vật em yêu quê, thương ba mẹ tuyệt đối biết nhường nào, gói tâm trạng trong một câu ngỡ nhẹ nhàng: chỉ có buồn cộng khổ. “Trưa gió Lào chân mẹ bỏng nhựa đường / Ba ngược gió nghiêng tơi chiều đông giá / Người nơi ấy luôn đương đầu vất vả / Từ lúc sinh ra cho đến lúc tuổi già / Chân bám ruộng đồng mưa nắng sương sa / Chén cơm nóng dưa cà xong bữa”.
Vùng quê này còn có nhiều gió “đặc sản”: gió Lào, gió chướng...in hằn lên thịt da người cha, người mẹ kính yêu của em, hằn lên cuộc sống nhọc nhằn chịu thương chịu khó của tất cả người dân ở quê em nữa.
Một đám cưới Quảng Trị xưa - Ảnh: T.L
Yêu thương thế, nhưng em vẫn để lại một dòng sông chưa kể. “Em chưa nói về dòng sông trăn trở”. Nhân vật anh hình như cứ để em yêu dẫn về thăm quê, một vùng quê không tìm ra đâu một chút lãng mạn, thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn khô, con người thì cả đời đương đầu (từ quá hay) vất vả, đến con sông cũng như người trăn trở, đớn đau.
Là dòng sông: máu xương nhuộm đỏ, là nước chảy ngậm ngùi, tác giả vẽ lên cuộc chiến không chỉ ở quê em, mà của đất nước, dễ khiến người đọc tưởng tượng anh từ phương trời khác đến: “Bởi máu xương nhuộm đỏ một thời / Nước chảy ngậm ngùi thương số kiếp anh ơi / Nam Trung Bắc tuổi thanh niên đều mất / Từ thuở bé bốn tao nôi mẹ hát / Câu ầu ơ! Hòa tiếng súng hằng đêm / Hỏa châu rơi như sao rụng bên thềm / Chưa hiểu hết đã dạn dày loạn lạc”. Chiến tranh khốc liệt khủng khiếp, cướp đi tất cả hồn nhiên, bình minh của tuổi, là tang thương chết chóc, chia lìa... nhưng qua lời thủ thỉ rất đời thường của em, hiện thực ấy phần nào đỡ trụi trần và nỗi đau thăm thẳm được giấu kín sâu hơn.
Đã gặp những con người, đã gặp một dòng sông quê, nhưng tên miền vẫn còn là ẩn số: “Quê em đó / Anh ơi miền đất Quảng... / Chẳng phải Quảng ngọt ngào đường mía mạch nha / Không phải Quảng cảng sâu tàu lớn nhỏ vào ra / Hay thành phố điện đèn lấp lánh”. Cùng trải dài trên khúc ruột miền Trung, bao xứ Quảng, bao thành phố, em cũng mời gọi đến thăm để thấy những ưi ái thiên nhiên ban tặng, những thế mạnh các vùng quê ấy có được rồi hãy ghé thăm quê em: “Miền đất Quảng quê em / Là địa đầu giới tuyến / Sông một thời cắt máu thịt chia xa / Hứng chịu tang thương, còn mất mọi nhà / Nỗi đau âm ỉ dù đã là quá khứ”.
Có vẻ như nhân vật em này đến từ ca dao, từ văn học dân gian nguyên thủy, nên muốn thử lòng người yêu chăng? Nếu không sao cứ nói miết một vùng quê nghèo, chịu nhiều đau thương mất mát mà tên quê, tên dòng sông và cả em vẫn để cho nhân vật anh hú tim trốn tìm? Chưa kể, em còn muốn anh tìm đến gặp rất nhiều những người con gái quê em: “Phận con gái sinh ra từ nơi đó / Số phận dường như đều phải nhuộm màu đen / Nhưng thương đau không có nghĩa yếu hèn / Nên khí chất có khi là khí tiết / Người trưởng thành từ tử sinh từng phút / Biết quý đời / Trân trọng sự thủy chung / Biết thương yêu hàn gắn mọi lỡ lầm... / Ươm mầm mới từ những điều đổ nát / Quê hương đó ... / và con người em đó / Mềm yếu khi yêu – mạnh mẽ khi cùng”.
Nhân vật em ở đây thật đáng yêu, vì em luôn tự hào kiêu hãnh về quê hương, về tất cả những gì đã làm nên em của hôm nay, con gái quê nhà hôm nay: vượt qua số phận, nghịch cảnh, đau thương biết sống đẹp (không yếu hèn, trân trọng sự thủy chung), biết trân quý sự sống (trưởng thành từng ngày), sống lạc quan, yêu thương, độ lượng, bao dung (...hàn gắn mọi lỗi lầm, ươm mầm mới từ những điều đổ nát ...). Chỉ một câu thơ 8 chữ, tiểu đối dứt khoát, làm bật lên nét đẹp vừa dịu dàng nhưng cũng rất kiên cường của phụ nữ, của phái đẹp xứ này: “Mềm yếu khi yêu – mạnh mẽ khi cùng”.
Tứ của bài thơ, bức thông điệp thẩm mỹ của bài thơ đến câu kết mới hiển lộ: “Có thương nhau hãy giữ một tấm lòng...”. Tấm lòng Quảng Trị bàng bạc trong lời thủ thỉ, trong lời tả, lời kể mộc mạc, không hoa mỹ nhưng chất thơ nhờ vậy có vẻ đẹp đậm đà vi diệu của sự chân thành. Quảng Trị có mặt ở tên đề bài thơ và trong dòng đề tặng cuối bài thơ: “Thương mến những em gái Quảng Trị (4/ 2017), truyền cho chúng ta niềm tin yêu rằng: hãy giữ một tấm lòng (Quảng Trị)...dù chưa, dù không hay có và đã, mãi thương nhau.
Điều rất lạ là tác giả bài thơ Đinh Thị Quang Tuyết: quê nội Quảng Bình, quê ngoại Huế, Quảng Trị là nơi cô được sinh ra và lớn lên, là nữ sinh duyên dáng, xinh đẹp, hát hay, nữ công gia chánh giỏi và đầy cá tính của Trường Trung học Nguyễn Hoàng - ngôi trường công duy nhất của Quảng Trị trước 1975. Điều lạ hơn nữa là cô chỉ làm thơ để lan tỏa tình yêu cuộc sống, hoặc để tự mình khuây khỏa cho mình. Chưa bao giờ cô nhận mình là nhà thơ dù một số thơ của cô đã được các thầy giáo và đồng môn phổ nhạc.
Ngẫm lại, miền Trung được ví là đòn gánh gánh hai đầu đất nước Bắc - Nam. Quảng Trị hình như cũng rứa, gánh hai miền thương nhớ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nên tác giả Đinh Thị Quang Tuyết có đủ ba miền Bình - Trị - Thiên chảy trong huyết quản và nở đóa hoa thơ đẹp lạ này.
Võ Thị Quỳnh