Đơn vị thi công đang khẩn trương xử lý hàng chục ngàn khối đất đá sạt lở trên đèo Khánh Lê.
Cụ thể, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ ngày 23 đến hết 25/12, toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, mưa lớn tập trung trong ngày 24 và 25/12.
Từ ngày 26/12 mưa lớn trên khu vực tỉnh Khánh Hòa có xu hướng giảm dần. Tổng lượng mưa toàn đợt các nơi phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi cao hơn 250mm/đợt.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn trong các ngày tới, đặc biệt là trong thời điểm hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích đủ nước, mực nước các sông thường xuyên lên nhanh, đất đã bão hòa nước sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngập lụt... UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Giao thông vận tải tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng và các đơn vị liên quan thực hiện chốt chặn tuyến đường Quốc lộ 27C, nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại trong các ngày mưa lũ lớn.
Đèo Khánh Lê vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt khi mưa lớn kéo dài.
Đồng thời, phối hợp với Khu Quản lý đường bộ III tiếp tục khẩn trương dọn dẹp khối lượng đất đá còn lại tại các vị trí sạt lở trên tuyến đường Quốc lộ 27C nhằm sớm đảm bảo giao thông thông suốt.
Phối hợp với các đơn vị quản lý các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động của các tuyến đường giao thông trong thời điểm mưa lũ.
Kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi có tình huống nguy hiểm (sạt lở, ngập, chia cắt giao thông ... ) để cảnh báo đến người dân và phối hợp với địa phương để có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và máy móc, thiết bị khi thực hiện công tác thi công, khắc phục hư hỏng, sạt lở các tuyến đường.
Chốt chặn tuyến đường Quốc lộ 27C (đèo Khánh Lê) trên địa bàn Khánh Hòa.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến mưa lũ, các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh để kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trên địa bàn chủ động các biện pháp ứng phó.
Bố trí lực lượng thực hiện trực gác tại các vùng trọng điểm, xung yếu (các ngầm, cầu, tràn... ); tuyệt đối không để người dân đi lại trong các ngày mưa, lũ lớn.
Đồng thời, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong công tác chốt chặn, phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở (đặc biệt là tại vị trí giáp ranh giữa các địa phương).
Rà soát các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa... để thực hiện ngay công tác di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu xảy ra.
Trung Nhân