Ngày 19/12, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Khu quản lý đường bộ 3 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Vào lúc 2h30 sáng cùng ngày, đèo Khánh Lê đã chính thức được thông xe một làn sau hơn 4 ngày tuyến đèo này bị tê liệt do sạt lở khiến giao thông Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt.
Sau hơn 4 ngày bị tê liệt do sạt lở, rạng sáng ngày 19/12 đoạn đèo Khánh Lê đã được thông xe một làn. Ảnh: Thuận Đoàn.
Trước đó, vào sáng 15/12, do mưa lớn kéo dài nên trên tuyến quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến hơn 50.000m3 đất, đá tràn xuống lòng đường. Theo thống kê của Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa, trên đèo Khánh Lê có 10 điểm sạt lở.
Trong đó, tại Km43+400, đất đá sạt lở từ phía taluy dương với khối lượng rất lớn tràn lấp toàn bộ mặt đường với chiều dài hơn 300m, ách tắc giao thông hoàn toàn. Có nhiều tảng đá lớn phải thực hiện bằng phương pháp nổ mìn phá đá. Có một tảng đá lớn hàng trăm tấn, chắn ngang đường tại Km43+400 đã được nổ mìn phá đá hoàn thành vào lúc 19h ngày 16/12.
Tuy nhiên, sau khi nổ phá tảng đá lớn này và tiếp tục dọn dẹp đất, đá sụt lở tràn lấp mặt đường, đơn vị thi công lại tiếp tục phát hiện nhiều tảng đá lớn nên phải tiếp tục thực hiện phá đá. Bên cạnh đó, một số đoạn đường bị đất đá tràn lấp gây hư hỏng, có 2 đoạn xuất hiện vết nứt.
Khu Quản lý đường bộ III sau đó đã có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố Quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến quốc lộ 27C do Khu Quản lý đường bộ III quản lý.
Đồng thời, đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông sau khi bộ ban hành quyết định tình huống khẩn cấp.
Ông Lê Thuận Đoàn - Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Khánh Hòa, đơn vị đang thi công khắc phục sự cố sạt lở đèo Khánh Lê, cho biết: Từ ngày sạt lở đèo Khánh Lê đến nay, đơn vị đã cử hơn 30 đầu xe máy thiết bị, với 2 mũi thi công từ Nha Trang lên và từ Lâm Đồng xuống với hàng chục công nhân làm việc 24/24.
Lương Sơn - Tiến Đạt